Sủng Cháng với "bài toán" giảm nghèo

Sủng Cháng với "bài toán" giảm nghèo
Phát triển đàn gia súc là một trong những định hướng nâng cao thu nhập, giảm nghèo của Đảng bộ Sủng Cháng trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Phát triển đàn gia súc là một trong những định hướng nâng cao thu nhập, giảm nghèo của Đảng bộ Sủng Cháng trong nhiệm kỳ 2015 – 2020.
Xã Sủng Cháng cách trung tâm huyện hơn 30 km, có 589 hộ với 3.399 khẩu ở 9 thôn, bản. Tính đến cuối năm 2015, lương thực bình quân đầu người của xã đạt 460kg/người/năm. Theo chia sẻ của nhiều cán bộ xã, dù là xã nội địa, tuy nhiên điều kiện tự nhiên của xã chủ yếu là đồi núi đá, độ dốc lớn, chia cắt; dù diện tích địa giới hành chính của xã tương đối rộng, nhưng diện tích đất có thể canh tác thì không nhiều. Bởi ở đây, chủ yếu là... đá. Xã Sủng Cháng chỉ có 3 thôn vùng thấp có đất trồng lúa một vụ, với diện tích vẻn vẹn 59 ha. Thế nhưng, diện tích này không phải năm nào cũng có thể cấy đạt 100%, bởi phải trông chờ hoàn toàn vào,... ông trời; cho nên phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Nhiệm kỳ 2010 – 2015, xuất phát điểm Sủng Cháng cũng có tỷ lệ hộ nghèo cao, trên 90%. Sau 5 năm, với những nỗ lực của cấp uỷ, chính quyền xã, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm còn 39,7%. Tuy nhiên, theo điều tra vào cuối năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều của xã đã nâng lên 81,6%. Với sự thành công trong công tác giảm nghèo nhiệm kỳ vừa qua, nếu xét tiêu chí nghèo như chuẩn cũ (chỉ căn cứ riêng vào mức thu nhập) thì công tác giảm nghèo ở xã khó khăn này sẽ không có nhiều điều phải lo lắng. Thế nhưng, với tiêu chí nghèo đa chiều trong giai đoạn 2016 – 2020 mới được Chính phủ ban hành trong năm 2015, thì các hộ nghèo ở cả khu vực thành thị và nông thôn bao gồm 2 đối tượng: Một là căn cứ vào riêng mức thu nhập của chuẩn nghèo (700.000 đồng/người/tháng đối với khu vực nông thôn và 900.000 đồng/người/tháng khu vực thành thị); hai là căn cứ vào mức thu nhập trên chuẩn nghèo cộng với sự thiếu hụt một số chỉ số đo lường các dịch vụ xã hội như: Y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin... Do đó, để giảm nghèo hiệu quả là một bài toán không hề dễ.

Là xã có tới 8 dân tộc sinh sống và cơ bản là các dân tộc thiểu số; mỗi dân tộc có nét văn hoá khác nhau, phong tục tập quán còn lạc hậu, nhà tắm, nhà vệ sinh của các gia đình hầu hết chưa có; chuồng trại gia súc cơ bản vẫn gần nhà; nhà văn hoá, điểm trường thôn chưa đầy đủ; hệ thống trạm y tế xã còn nhiều thiếu thốn..., với điều kiện người dân của Sủng Cháng còn khó khăn như hiện nay, muốn giảm nghèo đạt hiệu quả nhất định, chắc chắn cần có một lời giải toàn diện.

Xác định với tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, nhì so với các địa phương khác trong huyện, Đảng bộ xã Sủng Cháng đã đặt ra trong Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2015 – 2020 những mục tiêu cụ thể trong công tác giảm nghèo. Đồng thời xây dựng các phương án, kế hoạch chi tiết để thực hiện trong giai đoạn này. Bí thư Đảng uỷ xã, Nguyễn Hùng Cương, cho biết: Trong kế hoạch phát triển, nâng cao thu nhập, xoá đói, giảm nghèo những năm tới; Đảng bộ xã đã xác định, phân vùng phát triển các loại cây, con phù hợp với từng thôn, bản theo điều kiện tự nhiên. Theo đó, đối với các thôn vùng thấp, tập trung chuyển đổi cơ cấu giống lúa, phát triển các trang trại chăn nuôi gia súc tập trung; các thôn vùng cao, tiếp tục phát triển đàn bò, đẩy mạnh nuôi ong và thử nghiệm nuôi chim bồ câu.

Khi nâng cao được thu nhập cho người dân, xã sẽ tuyên truyền, vận động phát huy nội lực của nhân dân để xây dựng NTM, nâng cao chất lượng cuộc sống. Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm từ 7- 10%. “Tuy nhiên, chắc chắn nội lực sức dân không thể đáp ứng được những tiêu chí cần nguồn kinh phí lớn như xây dựng các cơ sở hạ tầng giao thông, nhà văn hoá, điểm trường... chính vì vậy, để bài toán giảm nghèo của xã có được hiệu quả như mong đợi, sẽ cần sự quan tâm, hỗ trợ đầu tư lớn của huyện và tỉnh, đó là chia sẻ chung của các lãnh đạo xã Sủng Cháng.
Báo Hà Giang

Có thể bạn quan tâm