Sức trẻ trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại Xuân Thọ ​

Sức trẻ trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại Xuân Thọ ​

Năm 2015, xã Xuân Thọ (thành phố Đà Lạt) là một trong những đơn vị đầu tiên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh Lâm Đồng. Năm 2023, địa phương được thành phố Đà Lạt lựa chọn là đơn vị đầu tiên xây dựng mô hình Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số, hoàn thành trong năm 2024. Theo lãnh đạo UBND xã Xuân Thọ, chính quyền xã sẽ vận động lực lượng đoàn viên, thanh niên, giáo viên trẻ làm nòng cốt để hoàn thành mục tiêu này.

Xuân Thọ nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt hơn 10km về phía Bắc, được biết đến với nhiều diện tích trồng các loại rau, hoa theo mô hình công nghệ cao. Năm 2015, Xuân Thọ được công nhận là xã đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 31,4 triệu đồng/người/năm. Đến năm 2022, thu nhập bình quân của người dân đã đạt 65 triệu đồng/người/năm. Tổng thu nhập từ các nguồn của Xuân Thọ đạt gần 358 tỷ đồng/năm, trong đó từ nông nghiệp đạt gần 286 tỷ đồng.

Sức trẻ trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại Xuân Thọ ​ ảnh 1Nhân viên Hợp tác xã Vườn Nhà Đà Lạt trong buổi Livestream bán hàng trực tiếp ngay tại vườn ớt ngọt. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Tiên phong ứng dụng chuyển đổi số vào sản xuất

Hiện nay, chính quyền và người dân xã Xuân Thọ đang chung tay xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số. Các nhà vườn làm nông nghiệp tại xã áp dụng nhiều công nghệ vào sản xuất. Điều này cho thấy người dân rất ủng hộ và hòa nhập vào mục tiêu phát triển chung của địa phương.

Hợp tác xã Vườn Nhà ở thôn Xuân Thành, xã Xuân Thọ là một trong những đơn vị nổi bật khi áp dụng công nghệ số, chuyển đổi số vào sản xuất và kinh doanh. Chị Lương Thị Yến Vân, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, từ nhiều năm qua, Hợp tác xã đã áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tại các vườn trồng ớt, rau, quả của Hợp tác xã, chị Vân đào tạo một đội ngũ chuyên bán hàng qua mạng xã hội. Với tài khoản Tiktok hơn 180.000 lượt người theo dõi, chỉ trong một phiên bán hàng trực tuyến, chị có thể bán hơn 2 tấn hàng các loại. Theo chị Vân, từ khi sử dụng Tiktok, lượng hàng bán ra của Hợp tác xã tăng lên 50%. Khi sử dụng nền tảng này để bán hàng, khách hàng có thể nhanh chóng nhận được hàng đã mua, theo dõi được đơn hàng của mình đã đến đâu, bao giờ nhận được.

Có mặt tại vườn dâu tây của anh Trần Đức Nam (thôn Lộc Quý, xã Xuân Thọ), phóng viên chứng kiến việc áp dụng chuyển đổi số giúp giảm tải công việc của chủ vườn rất nhiều khi chỉ cần bấm nút qua điện thoại là chăm sóc được toàn bộ khu vườn rộng 2ha.

Sức trẻ trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại Xuân Thọ ​ ảnh 2 Hợp tác xã Vườn Nhà ở Xuân Thành, xã Xuân Thọ, bán hàng qua các kênh thông tin xã hội số. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Anh Nam cho biết, mỗi khu nhà kính đều được lắp thiết bị cảm biến có kết nối với hộp cảm biến gắn sim 4G. Mọi thông số từ thiết bị cảm biến được hộp cảm biến chuyển về trung tâm điều khiển xử lý. Vì vậy, các thông số truyền về trung tâm điều khiển, sự cố hay trục trặc bên trong hệ thống đều được báo về phần mềm được cài đặt trong điện thoại để anh Nam biết và thông báo công nhân xử lý nhanh chóng.

Anh Trần Đức Nam mô tả: "Qua màn hình của trung tâm điều khiển, tôi có thể thấy được độ PH, EC của khu vườn. Qua phần mềm ở điện thoại, tôi thấy được lượng nước, phân mà máy đã tưới cho dâu tây trong một lần tưới là bao nhiêu. Ở những vườn khác, việc tưới nước, phân, điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm vẫn phải thao tác, tắt/mở thông qua điện thoại. Thế nhưng, hệ thống của tôi hoàn toàn tự động, không cần cầm đến điện thoại luôn".

Lực lượng nòng cốt, đi đầu

Với những kỹ năng về chuyển đổi số, công nghệ thông tin, đoàn viên, thanh niên, giáo viên trẻ được xem là lực lượng nòng cốt để chính quyền xã Xuân Thọ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số.

Sức trẻ trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại Xuân Thọ ​ ảnh 3Sản phẩm dâu tây ở vườn dâu Đức Nam, xã Xuân Thọ, dán tem truy xuất nguồn gốc hàng hóa trước khi xuất bán. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Ông Ngô Văn Dũng, Chủ tịch UBND xã Xuân Thọ cho biết, địa phương phấn đấu hoàn thành mục tiêu đưa Thọ Xuân trở thành xã Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số trong năm 2024. Trước hết, xã tập trung tuyên truyền để người dân thực hiện theo Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Hiện toàn xã có 100% người dân được cấp căn cước công dân, đang triển khai thực hiện mã định danh cấp độ 2 được 30%. Dự kiến đến tháng 5 - 6, xã cơ bản sẽ hoàn thành cài đặt mã định danh của tất cả công dân.

Tại các thôn đều thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng, do Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn là tổ trưởng, tổ phó. Đặc biệt, các tổ này có sự tham gia của các đoàn viên, thanh niên để hướng dẫn người dân, người lớn tuổi áp dụng công nghệ trong thanh toán trực tuyến, sử dụng internet banking của các ngân hàng trong các giao dịch của đời sống. Các đoàn viên, thanh niên sẽ hướng dẫn người dân bán hàng, nông sản qua các nền tảng mạng xã hội, đăng ký giải quyết thủ tục hành chính online, hạn chế phải bán hàng qua khâu trung gian...

Sức trẻ trong xây dựng Nông thôn mới kiểu mẫu chuyển đổi số tại Xuân Thọ ​ ảnh 4UBND xã Xuân Thọ thực hiện giải quyết thủ tục hành chính theo mô hình chuyển đổi số. Ảnh: Chu Quốc Hùng - TTXVN

Xã tranh thủ sự hỗ trợ của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lâm Đồng, Phòng Kinh tế thành phố Đà Lạt để giúp 100% sản phẩm nông nghiệp của bà con được truy xuất nguồn gốc. Bên cạnh đó, xã chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân…

Chu Quốc Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm