Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu có thêm 15 xã nông thôn mới kiểu mẫu, 50 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 4 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và huyện Phú Bình đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao...
Theo ông Phạm Văn Sỹ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, Chánh Văn phòng điều phối chương trình mặt trận quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh, để đạt được các chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong giai đoạn mới, tỉnh Thái Nguyên nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo, Văn phòng điều phối chương trình mặt trận quốc gia xây dựng nông thôn mới các cấp; tiếp tục đẩy mạnh triển khai Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đi vào chiều sâu và xác định đây là giải pháp động lực cho phát triển kinh tế để nâng cao đời sống cho người dân và xây dựng nông thôn mới bền vững; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, từng bước hướng tới nông thôn mới thông minh.
Thái Nguyên ưu tiên hỗ trợ, nâng tỷ lệ hộ được sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung theo quy định của bộ tiêu chí; phân loại và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt khoa học và phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương; huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ các Chương trình mục tiêu quốc gia cho xây dựng nông thôn mới, trong đó tập trung ưu tiên nguồn vốn cho các chỉ tiêu, tiêu chí chưa hoàn thành, đặc biệt đối với huyện Định Hóa, đảm bảo phát triển đồng bộ cả về kết cấu hạ tầng và tổ chức sản xuất, văn hóa, môi trường, an ninh...
Qua thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thái Nguyên, hiện nay, toàn tỉnh Thái Nguyên có 110/128 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 86% tổng số xã nông thôn trên địa bàn, trong đó có 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; bình quân mỗi xã đạt 18,2 tiêu chí nông thôn mới. Từ năm 2021 trở lại đây, Thái Nguyên có thêm 97 sản phẩm OCOP xếp hạng từ 3 sao trở lên, nâng tổng số sản phẩm OCOP trên địa bàn lên 173 sản phẩm OCOP, trong đó có 2 sản phẩm OCOP 5 sao cấp Quốc gia.
Đến nay, tỉnh đã có 119/128 xã đạt tiêu chí về thu nhập, đạt tỷ lệ gần 93%, 92% xã đạt tiêu chí về tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn; số hộ nghèo tại khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh còn hơn 13.100 hộ, chiếm tỷ lệ 6,21% và số hộ cận nghèo còn trên 10.700 hộ, chiếm tỷ lệ 5,1%.
Nhờ thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần khu vực nông thôn Thái Nguyên tiếp tục có những chuyển biến tích cực, hạ tầng được quan tâm đầu tư, có nhiều đổi mới, xây dựng nông thôn mới tiếp tục trở thành phong trào lớn, sôi động, rộng khắp, huy động cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia...
Tuy vậy, trong giai đoạn mới, việc thực hiện chương trình ở Thái Nguyên vẫn bộc lộ một số hạn chế như: huy động nguồn lực xã hội cho chương trình chưa đáp ứng so với yêu cầu; việc triển khai 3 chương trình mục tiêu quốc gia mà đối tượng cơ bản là nông thôn, nông dân, dẫn đến nguồn lực bị phân tán, chồng chéo, các chương trình, dự án đều có cơ chế, quy định riêng.
Do đó, việc lồng ghép nguồn vốn giữa 3 chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án rất khó khăn. Một số xã tập trung nhiều vào đầu tư kết cấu hạ tầng, chưa chú trọng đầu tư phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập người dân và xây dựng đời sống văn hóa, bảo vệ môi trường...
Hoàng Thảo Nguyên