Sức sống mới ở vùng biên Đông Nam Bộ (Bài 2)

Sức sống mới ở vùng biên Đông Nam Bộ (Bài 2)

Hai tỉnh Bình Phước và Tây Ninh thuộc vùng Đông Nam Bộ có biên giới tiếp giáp các tỉnh thuộc Vương quốc Campuchia dài gần 500km. Sự quan tâm từ các cấp Trung ương đến địa phương đã giúp nhiều khu dân cư biên giới từng ngày “thay da đổi thịt”, đời sống người dân ổn định. Gắn bó với biên giới, nhân dân là "lá chắn" vững chắc trong đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm. Phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) gới thiệu bài viết cuối về đề tài này.

Bài 2: "Lá chắn" vững chắc ngăn chặn tội phạm

Đề án "Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới trên địa bàn Quân khu giai đoạn 2019-2025" do Quân khu 7 phối hợp với các tỉnh triển khai đã và đang mang lại luồng gió mới trong đời sống vùng biên. Đặc biệt, những người thụ hưởng đề án đã góp phần giúp điểm dân cư biên giới ngày càng đổi mới.

Điểm dân cư phát triển bền vững

Hơn 3 năm, tỉnh Bình Phước có 11 điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới tại các huyện Bù Gia Mập, Lộc Ninh và Bù Đốp, góp phần chăm lo đời sống người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội gắn với củng cố quốc phòng - an ninh nơi biên giới.

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc xã Thanh Hòa (huyện Bù Đốp) được bố trí trên khu đất bằng phẳng, cơ sở hạ tầng xây dựng khang trang. Năm 2019, có 35 hộ thuộc các đối tượng nằm trong dự án được chuyển về đây sinh sống. Sau hơn 3 năm, cuộc sống người dân ngày càng ổn định hơn nơi ở trước kia.

Gia đình chị Phan Thị Hải đã tình nguyện chuyển về sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Thanh Hòa để “an cư, lạc nghiệp”. Từ khi tình nguyện về điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới, có được căn nhà và ít vốn liếng đã giúp gia đình chị quyết tâm vươn lên vượt khó.

Hộ gia đình anh Điểu Hanh (31 tuổi) là một trong những hộ đồng bào dân tộc thiểu số đầu tiên đến điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Đắk Ơ (huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước).

Anh Điểu Hanh cùng vợ con về sinh sống từ năm 2019, được cấp 400m2 đất, trong đó có căn nhà 72m2. Trước kia, cuộc sống gia đình anh Hanh rất khó khăn, không có nhà ở kiên cố, thu nhập chủ yếu từ làm thuê cuốc mướn. Về nơi ở mới, anh tham gia lực lượng dân quân xã Đắk Ơ. Anh không chỉ làm tốt công tác gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn, mà còn tích cực làm thêm để có thu nhập ổn định cuộc sống.

Anh Điểu Hanh cho biết, từ khi được cấp nhà tại điểm dân cư liền kề, cuộc sống của gia đình ổn định hơn, các con được học hành đầy đủ. Ngoài làm nhiệm vụ dân quân thường trực ở xã, anh còn tranh thủ đi làm thuê với mong muốn phát triển kinh tế bền vững.

Sức sống mới ở vùng biên Đông Nam Bộ (Bài 2) ảnh 1Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Chàng Riệc (Tây Ninh) tuần tra, kiểm soát đường mòn, lối mở ở khu vực biên giới nhằm chống hoạt động vượt biên trái phép, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Ông Nguyễn Mậu Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ơ cho biết, thời gian qua, các cấp lãnh đạo địa phương thường xuyên quan tâm hỗ trợ hộ dân thuộc dự án điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Những hộ này đã góp phần không nhỏ gìn giữ an ninh trật tự trên địa bàn bên giới, vận động bà con nghèo tích cực sản xuất, xóa đói giảm nghèo bền vững. Ngoài ra, chính quyền địa phương luôn tuyên truyền các hộ trong khu định cư cũng như điểm dân cư liền kề chốt dân quân cùng nhau xây dựng quê hương, giữ gìn an ninh biên giới, đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế gia đình.

"Lá chắn" vững chắc ngăn chặn tội phạm

Hộ ông Dương Danh Sơn (60 tuổi) ở điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới thuộc xã Thanh Hòa cho biết, năm 2019, ông được Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và chính quyền địa phương cấp cho căn nhà trên mảnh đất 360m2. Đến nay, cuộc sống của gia đình ông đã ổn định. Ngoài phát triển kinh tế, ông luôn cung cấp thông tin về an ninh trật tự ở khu dân cư và vùng biên cho lực lượng chức năng.

Ông Dương Danh Sơn cho biết, “từ khi Nhà nước có chủ trương tạo điều kiện cho người dân biên giới an cư lạc nghiệp và cấp cho mỗi hộ một căn nhà làm nền tảng vững chắc phát triển kinh tế nên chúng tôi rất phấn khởi. Tại đây, chúng tôi vừa tăng gia sản xuất, vừa có trách nhiệm báo tin nếu có vụ việc gây mất an ninh trật tự biên giới”.

Gia đình chị Dên Thị Mai tình nguyện chuyển về sinh sống tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước) để an cư, lạc nghiệp. Chị Dên Thị Mai phấn khởi cho biết: Sau khi được chính quyền địa phương quan tâm xây dựng cho căn nhà, cuộc sống gia đình đỡ vất vả hơn. Khi Nhà nước tạo điều kiện, chị yên tâm gắn bó với vùng đất này, có vấn đề gây mất an ninh biên giới, chị đều báo cho cơ quan chức năng biết để có biện pháp xử lý.

Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự xã Lộc Thịnh (huyện Lộc Ninh) Nguyễn Thành Quân cho biết: Người dân sinh sống ở điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới xã Lộc Thịnh đã góp phần giúp lực lượng vũ trang trong quá trình tuần tra bảo vệ an ninh trật tự. Bà con giúp cán bộ, chiến sĩ tại chốt dân quân biên giới Lộc Thịnh nắm bắt và giải quyết triệt để các vấn đề liên quan đến an ninh biên giới.

Sức sống mới ở vùng biên Đông Nam Bộ (Bài 2) ảnh 2Chiến sĩ Đồn Biên phòng Chàng Riệc (Tây Ninh) kiểm tra phương tiện ở khu vực biên giới trong quá trình thực thi công tác chống vận chuyển hàng cấm, hàng lậu. Ảnh: Thanh Tân – TTXVN

Khu dân cư biên giới Chàng Riệc dù nằm cách biệt với các khu dân cư trong xã Tân Lập (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh) nhưng lại là "lá chắn" vững chắc trong đấu tranh ngăn chặn các loại tội phạm. Thượng tá Nguyễn Văn Thành, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chàng Riệc cho biết, các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, xuất nhập cảnh trái phép trên tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh nói chung và trên đoạn biên giới của Đồn Biên Phòng phụ trách nói riêng diễn biến phức tạp, khó lường. Do đó, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chàng Riệc luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phối hợp chặt chẽ với nhân dân ở khu vực biên giới để phòng, chống tội phạm.

Thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng Việt Nam cũng cho biết, khi làm tốt công tác dân vận cũng như phổ biến giáo dục pháp luật ở biên giới, đồng bào các dân tộc, nhân dân ở các xã, phường biên giới sẽ có ý thức hơn về công tác bảo vệ chủ quyền và phòng, chống tội phạm. Đối với những địa bàn phức tạp phát sinh nhiều hoạt động buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép qua biên giới, xuất nhập cảnh, buôn bán người, vận chuyển buôn bán ma túy… vai trò của cư dân ở biên giới trong phối hợp với các lực lượng chức năng, kịp thời cung cấp thông tin về tội phạm là rất cần thiết. Nhiều vụ việc nhờ tin báo của quần chúng nhân dân mà cơ quan nghiệp vụ đã mở rộng thành chuyên án lớn để triệt phá.

Điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới và khu dân cư biên giới ở tỉnh Bình Phước và tỉnh Tây Ninh đã làm thay đổi diện mạo vùng biên Đông Nam Bộ. Cuộc sống của người dân nơi biên giới càng ngày được ổn định, sung túc thì công tác bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia ở vùng “phên giậu” càng phát huy hiệu quả. Nơi đây, mối quan hệ giữa chính quyền, đơn vị bội đội và nhân dân càng thêm gắng kết, thắm tình quân - dân. Tình cảm, trách nhiệm của người lính biên phòng là sợi dây gắn kết bà con khu dân cư biên giới thành một khối thống nhất, chung sức, đồng lòng vừa phát triển kinh tế vừa bảo vệ biên giới vững chắc.

Thanh Tân - K Gửih

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm