“Sức bật” từ chính sách phát triển kinh tế vùng dân tộc thiểu số tỉnh Kon Tum

Kon Tum là tỉnh có hơn 55% dân số là người dân tộc thiểu số đang sinh sống. Nhằm rút ngắn khoảng cách giàu, nghèo giữa người người dân tộc thiểu số tại các vùng xâu, vùng xa trên địa bàn, tỉnh Kon Tum đã triển khai đồng bộ và có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ, từng bước đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân.

Đăk Tô là huyện có hơn 50% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Xác định triển khai các chính sách dân tộc là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, năm 2022-2023, huyện đã đầu tư 360 tỷ đồng bằng nguồn vốn của các Chương trình mục tiêu quốc gia để xây dựng hơn 250 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống của người dân tộc thiểu số. Nhờ đó, 100% tuyến đường tại xã, thị trấn được nhựa hóa; đường trục thôn, đi khu sản xuất, đường liên thôn được kiên cố hóa đảm bảo ô tô đi lại thuận tiện quanh năm.

vna_potal_kon_tum_tao_dieu_kien_phat_trien_kinh_te_vung_dan_toc_thieu_so_7462472.jpg
Chính quyền xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) đến từng nhà tuyên truyền cho người dân chuyển đổi các mô hình phát triển sinh kế. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Anh A Hít (làng Đăk Manh 2, xã Đăk Rơ Nga, huyện Đăk Tô) cho biết, trước đây, việc vận chuyển, buôn bán nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn do hệ thống đường xá chưa được đầu tư. Từ khi Nhà nước, chính quyền địa phương xây dựng những tuyến đường liên thôn, xã và hệ thống điện chiếu sáng ban đêm, cuộc sống bà con nơi đây đã thuận tiện hơn rất nhiều, chi phí vận chuyển nông sản đã giảm đi đáng kể. Nhờ đó, nông sản của bà con bán ra đã mang lại lợi nhuận cao hơn, giúp người dân tộc thiểu số có tăng thêm thu nhập.

vna_potal_kon_tum_tao_dieu_kien_phat_trien_kinh_te_vung_dan_toc_thieu_so_7462468.jpg
Nhiều tuyến đường liên thôn, xã được tỉnh Kon Tum đầu tư giúp giao thương được thuận lợi. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Bên cạnh đầu tư cơ sở hạ tầng, tỉnh Kon Tum còn tập trung thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bên vững”. Đơn cử như xã biên giới Đăk Man (huyện Đăk Glei) là vùng đất phù hợp để trồng và phát triển các loại cây dược liệu như sâm dây, đinh lăng. Nhận thấy đây là cơ hội để giúp bà con người dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, chính quyền địa phương đã tích cực vận động người dân chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả sang trồng dược liệu.

vna_potal_kon_tum_tao_dieu_kien_phat_trien_kinh_te_vung_dan_toc_thieu_so_7462467.jpg
Mô hình nuôi bò sinh sản giúp người dân tộc thiểu số tại xã Pô Kô (huyện Đăk Tô) nâng cao thu nhập. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Anh A Thuật (làng Đông Lốc, xã Đăk Man) chia sẻ, được xã tuyên truyền, vận động gia đình anh đã trồng gần 700 cây đinh lăng để thử nghiệm. Cán bộ địa phương thường xuyên đến vườn để hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây nên số lượng cây đinh lăng đã trồng phát triển rất tốt. Đây được xem như nguồn thu nhập tăng thêm bên cạnh diện tích cà phê của gia đình nên anh cảm thấy rất phấn khởi.

Chủ tịch UBND xã Đăk Man Trần Văn Trường khẳng định, thông qua các nguồn lực đầu tư, bộ mặt cơ sở hạ tầng và tình hình kinh tế-xã hội tại vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn đã từng bước được nâng lên. Nhiều tuyến đường đi khu sản xuất được đầu tư, xây dựng; các công trình thủy lợi, đường giao thông, nước sinh hoạt được nâng cấp. Đây là tiền đề mở ra cơ hội phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của người dân, từng bước nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn.

vna_potal_kon_tum_tao_dieu_kien_phat_trien_kinh_te_vung_dan_toc_thieu_so_7462474.jpg
Người dân tộc thiểu số tại xã Pô Kô, huyện Đăk Tô, chuyển đổi diện tích trồng mì kém hiệu quả sang trồng cà phê. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đời sống vật chất và tinh thần của người dân trong vùng dân tộc thiểu số tại tỉnh Kon Tum đã được nâng lên rõ rệt. Tại huyện Đăk Tô, thu nhập bình quân đầu người trong vùng dân tộc thiểu số ước đạt hơn 42 triệu đồng/người/năm và luôn tăng theo từng năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm hàng năm trên 3%/năm.

Phó Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô Sa Phương khẳng định, huyện phấn đấu đến năm 2029, thu nhập bình quân đầu người vùng dân tộc thiểu số đạt từ 57 triệu đồng/năm trở lên; 87% xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Để đạt được mục tiêu này, huyện tiếp tục vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phù hợp với điều kiện và tiềm năng của huyện, đa dạng hóa các ngành nghề; sử dụng giống mới có giá trị kinh tế cao, áp dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, đầu tư tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả cây trồng, vật nuôi; phát triển công nghiệp chế biến để hỗ trợ phát triển nông nghiệp.

Đồng thời, đẩy mạnh vai trò của các già làng, trưởng thôn, Người có uy tín trong vùng dân tộc thiểu số để giúp dân phát triển kinh tế và xây dựng khối đại đoàn kết các dân tộc ngày càng vững chắc. Huyện tiếp tục thu hút đầu tư, đặc biệt là các nhà đầu tư vào các lĩnh vực thu mua, chế biến các mặt hàng nông sản ở khu vực có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống; tăng cường nâng cao chất lượng, hiệu quả việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

vna_potal_kon_tum_tao_dieu_kien_phat_trien_kinh_te_vung_dan_toc_thieu_so_7462471.jpg
Nhiều tuyến đường liên thôn, xã được tỉnh Kon Tum quan tâm đầu tư giúp việc giao thương được thuận lợi, tạo điều kiện để vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn phát triển. Ảnh: Khoa Chương - TTXVN

Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei Y Thanh cho rằng, việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, bố trí ổn định khu dân cư và phát huy các mô hình phát triển sinh kế là bước đệm quan trọng để người dân tộc thiểu số nói riêng và người dân toàn huyện nói chung phát triển vững mạnh. Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương, Đăk Glei sẽ tiếp tục vận động người dân phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và trồng các loại dược liệu có giá trị cao; tăng cường tuyên truyền để người dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm, loại bỏ dần những hủ tục, tập quán lạc hậu, biết cách áp dụng các hình thức lao động sản xuất tiên tiến. Từ đó, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số biết cách làm ăn, vươn lên thoát nghèo bền vững.

Khoa Chương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm