Ngày 8/12, Trường Đại học Cần Thơ phối hợp với Công ty Cổ phần Phân bón dầu khí Cà Mau tổ chức Hội nghị toàn quốc “Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất”. Hội nghị giúp các nhà khoa học, doanh nghiệp và cán bộ địa phương trao đổi, chia sẻ các kết quả nghiên cứu và ứng dụng về quản lý đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Trên cơ sở đó, xây dựng kế hoạch hợp tác trong tương lai, góp phần phát triển nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long cũng như cả nước theo hướng bền vững.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Cần Thơ cho biết, Hội nghị gồm phiên toàn thể và ba phiên chuyên đề về "Đặc tính và tiến trình đất", "Sức khỏe đất trong sản xuất nông nghiệp", "Quản lý và sử dụng phân bón hiệu quả". Các báo cáo tại Hội nghị là những kết quả nghiên cứu khoa học, đánh giá hiệu quả một số mô hình thực nghiệm…
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Hiếu Trung, việc bảo vệ nguồn tài nguyên nước, sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật tác động trực tiếp đến chất lượng đất, cây trồng. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu gây khô hạn và xâm nhập mặn làm suy giảm độ phì nhiêu của đất; độc chất tích tụ của phèn, mặn trong đất gia tăng. Từ thực tế này, những biện pháp canh tác nhằm cải thiện chất lượng đất từ việc ứng dụng công nghệ, sản phẩm mới giúp nâng cao hiệu quả sử dụng dinh dưỡng cho cây trồng, tăng độ phì nhiêu của đất đang được nhiều người quan tâm.
Theo các nhà nghiên cứu, để sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp: Sử dụng đất hợp lý dựa trên đặc tính riêng có từng vùng đất; sử dụng phân bón thông minh; xây dựng hệ thống canh tác cây - con phù hợp với tài nguyên đất bản địa.
Muốn sử dụng đất hợp lý dựa trên đặc tính riêng có từng vùng đất, các đại biểu cho rằng cần có những nghiên cứu chuyên sâu về đặc tính đất, làm cơ sở dữ liệu nền tảng. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng, việc sử dụng đất không hợp lý so với đặc điểm riêng có của từng vùng sẽ khiến gia tăng chi phí cải tạo đất, làm đất dễ bị bạc màu, thoái hóa, hoang hóa.
Tác giả Lê Minh Châu (Trung tâm Nghiên cứu Đất - Phân bón và Môi trường phía Nam) dẫn kết quả nghiên cứu về hiện trạng thoái hóa đất trồng rau và hoa tại tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, đất canh tác tại Lâm Đồng có đặc thù đồi thấp, dễ bị xói mòn tự nhiên. Thay vì sử dụng đất ở chân đồi nhiều màu mỡ, người dân đang canh tác trên toàn đồi, sử dụng phân bón quá nhiều. Đó là những nguyên nhân khiến 27.078 ha đất thuộc các vùng Đà Lạt, Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà bị bạc màu.
Đối với giải pháp sử dụng phân bón thông minh, các đại biểu cho rằng, cần thay đổi phân hóa học sang phân hữu cơ đã được xử lý, ủ hoai như: phân hữu cơ sinh học, phân hữu cơ vi sinh. Một trong những giải pháp được đánh giá cao là “Phân hữu cơ từ rác thải sinh học” của nhóm tác giả Đỗ Thành Luân và Nguyễn Khởi Nghĩa (Trường Đại học Cần Thơ). Theo đó, chế phẩm vi sinh chứa các dòng vi sinh vật acid lactic giúp chuyển hóa nhanh rác thải hữu cơ rau, củ, quả thành phân hữu cơ. Loại phân này giúp gia tăng đa dạng thành phần nhóm vi khuẩn trong môi trường đất, khiến đất giữ được độ màu mỡ.
Về xây dựng hệ thống canh tác cây - con phù hợp với tài nguyên đất bản địa, các nhà khoa học cho rằng cần sự chung tay vào cuộc của các viện - trường, nhà khoa học và nhà nông. Theo đó, các viện, trường tạo điều kiện và các phương tiện nghiên cứu; nhà khoa học đưa ra được các nghiên cứu mới trong lai tạo, tạo giống cây - con phù hợp với tài nguyên đất bản địa; nhà nông mạnh dạn ứng dụng vào thực tiễn trong quy mô lớn, tránh manh mún và giẫm chân nhau…
Ánh Tuyết