Sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ cấm chặt phá, buôn bán đào rừng và các loại cây khác của núi rừng, tỉnh Sơn La đã tiên phong cấp tem chứng nhận cho giống đào rừng do người dân trồng trên đất nông nghiệp để bán ra thị trường trong dịp Tết Nguyên đán.
Huyện Vân Hồ (Sơn La) hiện có khoảng 1.000 ha đất trồng cây đào, trong đó có hơn 500 ha đào có thể bán vào dịp Tết Nguyên đán. Tất cả đều được trồng trên nương, đồi của người dân. Cây đào là nguồn thu nhập chính của đồng bào dân tộc trong dịp Tết đến Xuân về. Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và thương lái khai thác, mua bán, kinh doanh cành, cây đào trong dịp Tết Nguyên đán năm 2021, Ủy ban nhân dân huyện Vân Hồ đã phát hành và đưa vào sử dụng hao mẫu tem dán vừa để quảng bá, đồng thời xác nhận nguồn gốc xuất xứ của cây đào trồng trên địa bàn huyện.
Chị Sông Thi Ly ở xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ cho biết, gia đình chị có khoảng 3.000 - 4.000 cây đào chờ bán vào dịp Tết năm nay. Khi có thông tin cấm chặt, buôn bán đào rừng, gia đình rất lo lắng, hoang mang. Sau khi được cán bộ xã, bản cấp phát tem chứng nhận để dán lên cành đào, gia đình chị yên tâm hơn. Tuy nhiên, chị Ly vẫn lo lắng vì có thể năm nay cành đào sẽ không bán được nhiều như năm ngoái.
Ông Giàng A Dê, Phó Chủ tịch UBND xã Lóng Luông, huyện Vân Hồ chia sẻ, sau khi có chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc cấm chặt đào rừng trên các tỉnh Tây Bắc, người dân trong xã rất hoang mang. Thực tế ở địa phương, hầu hết cây đào đều do người dân trồng trên nương, đồi. Những năm gần đây, chính quyền xã đã vận động, khuyến khích người dân trồng rất nhiều đào. Riêng năm 2020, xã trồng mới được hơn 20 ha, nâng tổng diện tích đào trồng của xã lên khoảng hơn 500 ha. Đây là nguồn thu nhập rất lớn của người dân.
Sau khi thống nhất chủ trương, chính quyền xã đã phối hợp với UBND huyện Vân Hồ phát hành bộ tem "Hoa đào Vân Hồ" để cung cấp cho người dân. Người dân khi chặt cành đào để bán cho khách mang đi trên đường về Hà Nội hay các tỉnh dưới xuôi có thể dán tem lên cành đào để xác minh nguồn gốc đào trồng tại huyện Vân Hồ, không phải đào rừng. Hiện nay, UBND xã đã cơ bản nhận đủ số lượng tem từ huyện Vân Hồ và cấp phát cho người dân ở hai bản Co Lóng, Co Chàm.
Ông Thái Bá Sinh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vân Hồ cho biết, trên cơ sở thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, huyện thực hiện rà soát, thống kê diện tích canh tác, sản xuất đào trồng trên đất vườn đồi của bà con trên địa bàn.Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân huyện đã ban hành bộ tem để giúp người dân và du khách khi mua đào có thể yên tâm, biết xuất xứ cây đào được dán tem là đào trồng trên đất vườn đồi của người dân, không phải đào rừng.
Hiện nay, Ủy ban nhân dân huyện Vân Hồ đã phát và chỉ đạo các xã hướng dẫn người dân khi bán cành đào sẽ dán tem vào để nhận biết. Hai mẫu tem phát hành đều có chữ ký của cơ quan chuyên môn vừa để quảng bá vừa để xác nhận là cành, cây đào trồng trên địa bàn huyện Vân Hồ khi lưu hành.
Hai mẫu tem có kích thước 4 x 15cm và 4x 20cm. Kinh phí in tem sử dụng nguồn xã hội hóa, trị giá từ 1.000 - 2.000 đồng, được người dân đồng tình ủng hộ, nhất trí cao. Bên cạnh đó, huyện chỉ đạo các xã thành lập Tổ rà soát do Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã làm Tổ trưởng cùng với Trưởng Công an xã và Trưởng bản tiến hành rà soát từng hộ, số lượng cây đào trồng cụ thể, tên, địa chỉ của gia đình trồng đào để đảm bảo cấp phát đủ số lượng tem. Qua rà soát, địa bàn huyện Vân Hồ hiện nay không có đào rừng.
Ngoài việc cấp tem, các thương lái đến mua đào tập trung phải có giấy xác nhận việc mua đào ở đâu, mua tại hộ gia đình nào, số lượng bao nhiêu… để chứng minh nguồn gốc đào xuất phát từ địa phương để cho việc lưu thông thuận tiện.
Việc dán tem sẽ giúp các địa phương trên địa bàn tỉnh Sơn La quản lý tốt hơn diện tích đào trồng. Đây cũng là việc làm khuyến khích để cây đào trồng sẽ là một sản phẩm nông nghiệp mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân vùng cao trong dịp Tết cổ truyền hằng năm.
Quang Quyết