Sơn La tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã

Sơn La tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã

Ngày 24/6, tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách phát triển hợp tác xã. Đây là hoạt động nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trực tiếp cho các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và cho hệ thống các cơ quan quản lý, cơ quan chuyên môn liên quan đến kinh tế tập thể.

Sơn La tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã ảnh 1Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh và Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La tham gia chương trình đối thoại. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Tỉnh Sơn La hiện có hơn 800 hợp tác xã đang hoạt động, trong đó trên 660 hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ nông nghiệp. Các hợp tác xã hiện đang triển khai gần 210 chuỗi cung ứng nông sản, thủy sản an toàn; thực hiện truy xuất nguồn gốc đối với 83 sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Doanh thu bình quân của hợp tác xã năm 2021 đạt 2 tỷ đồng, lãi bình quân đạt 200 triệu đồng; thu nhập bình quân của thành viên hợp tác xã đạt 4 triệu đồng/tháng.

Theo đánh giá, kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Sơn La đã và đang góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành trồng trọt và thúc đẩy sản xuất nguyên liệu. Từ đó, đưa khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông sản của tỉnh Sơn La được nâng lên trên thị trường trong và ngoài nước. Đồng thời, thúc đẩy phát triển kinh tế ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn, tạo ra sản phẩm hàng hóa lớn, tập trung và xây dựng thương hiệu hình ảnh nông sản Sơn La.

Tại hội nghị, đại diện các hợp tác xã tại Sơn La đã nêu ra các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến hoạt động của các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã. Đó là những khó khăn đến từ chính hệ thống các cơ quan nhà nước như việc quản lý, theo dõi, nắm bắt, kiểm tra chưa được quan tâm đúng mức; khó khăn từ các cơ chế chính sách ban hành để trúng, đúng và để các đơn vị được tiếp cận, thụ hưởng; khó khăn khách quan như tác động ảnh hưởng của tình hình dịch COVID-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Sơn La tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã ảnh 2Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn (Sơn La) trả lời các kiến nghị của hợp tác xã. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã dâu tây Xuân Quế, huyện Mai Sơn kiến nghị, hiện nay việc liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã trong xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm cho các hợp tác xã mặc dù đã được quan tâm, nhưng chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao. Do đó, số hợp tác xã xây dựng được thương hiệu sản phẩm chưa nhiều, giá trị xuất khẩu và cạnh tranh trên thị trường còn hạn chế. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách hỗ trợ xây dựng kho lạnh để bảo quản nông sản hiện vẫn chưa được triển khai, trong khi hợp tác xã đã thực hiện đầy đủ hồ sơ theo yêu cầu.

Còn bà Nguyễn Thị Dung, Phó Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn nêu ý kiến, hiện hợp tác xã chưa có nhà sơ chế, kho bảo quản lạnh dẫn đến khó khăn sau khi thu hoạch. Trong khi đó, yêu cầu tiêu chuẩn chất lượng để xuất khẩu hiện rất nghiêm ngặt. Ngoài ra, hợp tác xã cùng gặp khó khăn trong thủ tục đăng ký các tiêu chí chất lượng sản phẩm, thủ tục hành chính; việc tìm kiếm đối tác thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm. Cùng đó, các sản phẩm tín dụng dành cho hợp tác xã chưa phong phú, dẫn đến một số đơn vị không tìm được các sản phẩm tín dụng phù hợp.

Sơn La tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã ảnh 3Ông Nguyễn Văn Ngân, Giám đốc Hợp tác xã cam Văn Yên, huyện Phù Yên (Sơn La) trình bày kiến nghị tại chương trình. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Trên cơ sở các ý kiến kiến nghị, đề xuất, vướng mắc của các hợp tác xã, đại diện các sở, ban, ngành tỉnh Sơn La đã trả lời, giải đáp theo thẩm quyền.

Theo Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi, từ các đề xuất của các hợp tác xã, đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư tạo điều kiện cho các hợp tác xã tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư của địa phương, của tỉnh. Ngoài ra, cần thành lập chợ thương mại điện tử về các sản phẩm của kinh tế tập thể, hợp tác xã liên thông với hệ thống các tỉnh.

Thông qua hoạt động của chợ thương mại điện tử là điểm kết nối các đơn vị đặt hàng mua trực tiếp với các hợp tác xã. Từ đó, hình thành mạng lưới liên kết tiêu thụ sản phẩm, hình thành kênh tiêu thụ sản phẩm của các hợp tác xã tới cả nước.

Sơn La tháo gỡ khó khăn trong hoạt động của các hợp tác xã ảnh 4Các cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc nhận bằng khen của Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Ảnh: Hữu Quyết - TTXVN

Bên cạnh đó, ông Lê Tiến Lợi đề nghị hệ thống ngân hàng tạo điều kiện cho các hợp tác xã được tiếp cận chính sách hỗ trợ về vốn từ nguồn quỹ hợp tác xã, nguồn vốn vay tại các tổ chức tín dụng, các chương trình hỗ trợ theo chuỗi giá trị từ nguồn kinh phí của Trung ương. Đồng thời, mong muốn các sở, ngành chức năng của tỉnh tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và các hộ nông dân thực hiện cấp mã vùng trồng và cấp chứng nhận VietGAP, GlobalGAP để nâng cao chất lượng sản phẩm phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.

Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Sơn La Lê Tiến Lợi cho rằng, với những khó khăn, vướng mắc hiện nay, Liên minh hợp tác xã tỉnh Sơn La tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan tìm giải pháp phù hợp nhằm tháo gỡ để hợp tác xã thực sự là nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể của tỉnh.

Hữu Quyết

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm