Nhằm hướng tới tính bền vững, mô hình hợp tác xã nông nghiệp sạch kết hợp với du lịch sinh thái đang được lan tỏa và chú trọng tại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã. Theo các chuyên gia, việc phối hợp tổ chức du lịch sinh thái ngoài tác dụng giới thiệu, quảng bá sản phẩm, còn tạo được nguồn thu nhập nhằm góp phần đầu tư thêm cơ sở vật chất tại các hơp tác xã. Tuy nhiên, đến nay những mô hình này vẫn chỉ dừng lại ở con số khiêm tốn và cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Mô hình liên kết
Ông Trịnh Văn Tiến, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Nông sản và Du lịch Tam Điệp (Ninh Bình) cho biết, thời gian qua, các hợp tác xã trên địa bàn ngoài nuôi trồng cây, con đặc sản, kinh doanh nhà hàng, siêu thị còn xây dựng khu nông trại, nuôi các con đặc sản như hươu, nai, ngựa, dê núi, chim và khu nhà lưới trồng rau sạch phục vụ du khách tham quan, trải nghiệm.
Nhằm lan toả mô hình, Hợp tác xã Nông sản và Du lịch Tam Điệp đã liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn để khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có, phục vụ đa dạng nhu cầu khách tham quan. Cùng với đó, hợp tác xã còn vận động bà con trong xã thực hiện nhiều mô hình hữu ích bảo vệ môi trường.
Nằm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ bền vững Hội An ra đời từ ý tưởng nâng cao chuỗi giá trị về nông nghiệp xanh kết hợp với phát triển du lịch trải nghiệm.
Theo bà Trần Huỳnh Hải Yến - Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ bền vững Hội An, tháng 7/2019, Heal Organic Farm chính thức được hợp tác xã đầu tư xây dựng, với diện tích khoảng 1ha, Heal Organic Farm gồm 2 khu vực là nhà xưởng và vườn trồng.
Là mô hình nông nghiệp xanh, nên toàn bộ nguyên vật liệu đầu vào của Heal Organic Farm không dùng chất hóa học (phân, thuốc, biến đổi gen…), thay vào đó là sử dụng phân bò, bánh dầu hoặc ủ rơm rạ với cây lá, men vi sinh để tạo thành phân bón cho cây trồng, kể cả diệt trừ sâu bệnh cũng bằng các loại thuốc thảo mộc pha chế từ gừng, tỏi ớt hoặc trồng các loại hoa, sả, húng nhằm dẫn dụ, xua đuổi sâu bệnh, côn trùng.
Ngoài ra, tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Cẩm Hà, thành phố Hội An hiện đang chú trọng sản xuất sạch để khẳng định thương hiệu rau Trà Quế và thu hút khách du lịch.
Đến nay, tổng diện tích vùng rau là 18 ha với 200 hộ sản xuất và có trên 18 chủng loại rau như cải ngọt, cải xanh, cải trắng, mồng tơi, rau muống, húng, hành hương và trung bình mỗi ngày làng rau Trà Quế sản xuất trên 2 tấn rau các loại.
Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, hợp tác xã đã chủ động phối hợp với thành phố Hội An tổ chức tour du lịch sinh thái tại làng rau Trà Quế. Do đó, mỗi ngày làng rau đón từ 50 - 70 khách du lịch nước ngoài đến tham quan và đăng ký trải nghiệm việc trồng, tỉa như một nông dân thực thụ; những ngày lễ, chủ nhật có lúc đón từ 100 - 150 lượt khách tham quan.
Ứng dụng công nghệ
Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, hiện nay hệ sinh thái số du lịch không chỉ đem lại sự tiện lợi, tiết kiệm chi phí mà còn nâng cao trải nghiệm du lịch. Bởi vậy, việc các doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực du lịch phát triển kinh doanh thông qua các ứng dụng trên nền tảng số sẽ đưa kinh tế số du lịch phát triển bền vững.
Chẳng hạn như tại khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã việc ứng dụng công nghệ trong các hợp tác xã du lịch hiện vẫn còn ít và chưa thực sự “số hóa”.
Mặc dù, tại các điểm du lịch cũng đang định hình chuyển đổi số mang tới những trải nghiệm thuận tiện và an toàn cho khách hàng như các hệ thống thuyết minh tự động, mã QR giới thiệu hiện vật...
Thực tế cho thấy, không ít nhiều hợp tác xã đã hoàn thiện hệ sinh thái về dịch vụ, mua sắm, ẩm thực… tại các điểm du lịch đồng thời du khách có thể gửi phản ánh đến chất lượng dịch vụ đến cơ quan quản lý.
Đơn cử như Hợp tác xã Dịch vụ phát triển nông nghiệp 19/5 (Mộc Châu - Sơn La) đã xây dựng mô hình hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp tổng hợp gắn sản xuất nông nghiệp với phát triển du lịch sinh thái, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Cùng với đó, hợp tác xã còn có cơ sở chế biến quả với diện tích 4.000 m2 được trang bị máy móc, thiết bị hiện đại, các sản phẩm chế biến của hợp tác xã gồm rượu vang, mận sấy dẻo, chuối sấy dẻo với tổng sản lượng tiêu thụ sản phẩm cho thành viên hợp tác xã bao gồm cả thành viên liên kết từ 800 - 1.000 tấn các loại nông sản mỗi năm.
Hơn nữa, hợp tác xã có một quần thể nhà hàng, nhà nghỉ nối liền với khu sản xuất, chế biến để phục vụ khách tham quan, du lịch từ đó tạo ra một hệ sinh thái khép kín.
Đặc biệt, hợp tác xã còn phát triển nhiều loại hình du lịch Mộc Châu phong phú, đặc trưng của một vùng cao nguyên gồm du lịch cộng đồng, thăm các nhà máy chế biến chè xuất khẩu, các cơ sở chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa; thăm các khu công nghệ cao trồng rau, hoa xuất khẩu.
Thế nhưng, hợp tác xã mới chỉ đáp ứng được nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng ở mức giản đơn, chưa có nhiều kỹ năng hướng dẫn du lịch, tổ chức du lịch cộng đồng chuyên nghiệp cũng như áp dụng số hóa trong kinh doanh du lịch.
Ngoài ra, cũng có những hợp tác xã ngay từ đầu khi thành lập đã hướng tới việc tận dụng tiềm năng, thế mạnh của địa phương để vừa phát triển nông nghiệp, vừa phát triển du lịch sinh thái.
Các chuyên gia cho rằng, để chuyển đổi số ngành du lịch nói chung, và ở khu vực hợp tác xã du lịch nói riêng cần nâng cao nhân thức tư duy cán bộ nhà nước, chủ doanh nghiệp, hợp tác xã về chuyển đổi số; cơ sở dữ liệu hoà chung và kết nối với các địa phương; nâng cao chất lượng hạ tầng và dịch vụ.
Bên cạnh đó, cần có hướng dẫn cụ thể ở các địa phương, tránh tình trạng việc mỗi địa phương thực hiện mỗi khác gây khó khăn cho khách du lịch tiếp cận cũng như đào tạo nhân lực nhằm giải quyết vấn đề đang đặt ra.
Đánh giá về thực trạng của kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã cho rằng, thời gian qua, do ảnh hưởng nặng nề trong bối cảnh dịch COVID-19, có tới 90% tổng số hợp tác xã đã giảm mạnh doanh thu và tỉ lệ lớn hoạt động cầm chừng hoặc ngừng hoạt động do đứt gãy chuỗi cung ứng tiêu thụ nông sản và dịch vụ, trong khi chi phí đầu vào lại tăng.
Chính vì vậy, khi các hợp tác xã nội lực còn yếu dẫn đến việc chưa sẵn sàng cho việc thích ứng với những thay đổi mang tính khách quan trên việc cải tiến quy trình quản lý, sản xuất, việc áp dụng công nghệ mới hay công cuộc chuyển đổi số đều rất hạn chế.
Bởi vậy, theo ông Nguyễn Ngọc Bảo, các hợp tác xã cần chủ động tìm ra hướng đi thích hợp và những giải pháp hữu hiệu để phát triển ổn định, bền vững. Một trong những hướng đi đó là chuyển đổi số trong khu vực hợp tác xã nhằm phát huy lợi thế và nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh, chuyển đổi số sẽ là công cụ phục vụ đắc lực cho nông dân, các doanh nghiệp nhỏ, giúp các hợp tác xã sản xuất kinh doanh tốt hơn, bền vững hơn theo xu thế thời đại.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các hợp tác xã, thời gian tới các thành viên hợp tác xã sẽ được đào tạo về chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh và chính các thành viên này sẽ trở thành giảng viên đào tạo chính các hợp tác xã trong khu vực.
Uyên Hương