"Sâu keo mùa thu" phá hại ngô ở Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Nhiều năm trồng ngô giống bán cho Công ty cổ phần nông nghiệp Chiềng Sung, huyện Mai Sơn La, nhưng chưa bao giờ gia đình bà Hoàng Thị Hột ở bản Tân Lập (xã Chiềng Sung) lại lo lắng như năm nay. Bởi gần 4.000 m2 ngô của gia đình bà đang sinh trưởng tốt thì bị loại sâu keo phá hoại. Ngay sau khi phát hiện loại sâu này, gia đình bà đã thông báo với Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung để được hướng dẫn kỹ thuật phòng trừ sâu. Ông Dương Chí Ninh, kỹ sư Bảo vệ thực vật Công ty cổ phần Nông nghiệp Chiềng Sung cho biết, sau khi nhận được thông tin có loại sâu keo hại ngô, công ty đã chủ động liên hệ với các cơ quan chức năng để tổ chức lớp tập huấn cho cán bộ, công nhân, cán bộ xã và bà con nông dân trồng ngô. Sau khi tổ chức lớp tập huấn, công ty đã chủ động khống chế “sâu keo mùa thu” theo quy trình hướng dẫn của Cục Bảo vệ thực vật về các biện pháp phòng trừ. Niên vụ 2019, công ty gieo trồng trên 200 ha ngô giống. Ngay sau khi phát hiện ngô bị “sâu keo mùa thu” phá hoại, công ty đã tổ chức phun thuốc trừ sâu toàn bộ diện tích để nâng cao hiệu quả trừ.
"Sâu keo mùa thu" phá hại ngô ở Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Theo các nhà khoa học, “sâu keo mùa thu” là loại ăn tạp, sinh sản nhanh, có tính gối lứa và tính kháng thuốc. Mặt khác, sâu thường nằm trong nõn cây ngô nên phòng trừ gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, loại sâu này có thể phòng trừ nếu bà con sử dụng đúng phương pháp. Ông Dương Gia Định, Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La khuyến cáo, trong canh tác, bà con nông dân cần chú ý dọn dẹp vệ sinh sạch sẽ, nhất là các cây cỏ rậm ở xung quanh nương ngô, ruộng ngô để hạn chế và làm đứt trung gian truyền bệnh, đứt chuỗi thức ăn để sâu hạn chế phát triển. Cùng với đó, khi trồng ngô phải thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, phát hiện kịp thời và thông cáo với các cấp chính quyền cũng như thông tin cho cán bộ khuyến nông để được hướng dẫn biện pháp phòng trừ hiệu quả. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi sâu đến ngưỡng phải phòng trừ.
Người dân phun thuốc trừ sâu khống chế "sâu keo mùa thu" phá hại ngô. Ảnh: Nguyễn Cường - TTXVN |
Toàn tỉnh Sơn La hiện có trên 100.000 ha trồng ngô. Bên cạnh cây ăn quả, ngô vẫn đang là loại cây trồng phổ biến, nguồn thu nhập chính của người nông dân. Chính vì vậy, tăng cường kiểm tra đồng ruộng, phát hiện sớm và có biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu gây ra đang được các cấp chính quyền và người nông dân tích cực triển khai thực hiện.
Nguyễn Cường