![]() |
Do ảnh hưởng của sương muối, hàng trăm ha cà phê của người dân tại huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La bị thiệt hại. Ảnh: Nguyễn Cường-TTXVN |
Từ ngày 3/12 đến 10/12, tại tỉnh Sơn La xảy ra đợt rét đậm kèm theo sương muối hoành hành khiến cây cà phê ở nhiều địa phương bị thiệt hại nặng nề. Những nương cà phê xanh mướt đang giai đoạn cho thu hoạch đã chuyển sang màu nâu sẫm do bị sương muối đốt cháy. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã vào cuộc cùng chính quyền các địa phương và người dân bị ảnh hưởng nhằm khẩn trương khắc phục thiệt hại ban đầu. Ông Đồng Văn Cường, Chi cục Trồng trọt Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, từ đầu đợt rét, ngành nông nghiệp đã có hướng dẫn, cảnh báo đối với các địa phương thực hiện phòng chống rét đối với cây trồng, vật nuôi. Ngay sau khi có hiện tượng sương muối, các đơn vị liên quan đã cử cán bộ xuống trực tiếp hiện trường, tìm hiểu nguyên nhân và hướng dẫn người dân các biện pháp kỹ thuật nhằm chống rét và khắc phục thiệt hại cho cây cà phê.
Theo thống kê, đợt rét đậm vừa qua hơn 1.000ha cà phê đã bị cháy, sản lượng quả thiệt hại trên 3.000 tấn, gây tổn thất lớn cho ngành nông nghiệp và những hộ nông dân sản xuất cà phê trên địa bàn tỉnh. Ngành nông nghiệp tỉnh Sơn La đã triển khai nhiều giải pháp trong việc phòng chống rét đậm rét hại, sương muối, băng giá đối với cây cà phê, chú trọng đến những vùng có nhiều diện tích cây cà phê như thành phố Sơn La, huyện Mai Sơn và huyện Thuận Châu. Hiện nay, giải pháp cấp bách đang được triển khai là ngăn không cho cây cà phê bị chết hoàn toàn.
![]() |
Rét đậm, rét hại và sương muối đã gây thiệt hại không nhỏ cho sản xuất nông nghiệp, nhất là cây cà phê tại huyện Thuận Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Nguyễn Cường-TTXVN |
Ông Nguyễn Thành Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sơn La cho biết, đối với các diện tích cây bị thiệt hại nặng, ngành nông nghiệp khuyến cáo bà con nông dân khẩn trương cưa đốn, tránh để cây bị chết xuống rễ. Nếu kịp thời đốn tỉa, cây cà phê được tái sinh và sau khoảng 2 năm sẽ cho thu hoạch. Nhưng nếu không kịp thời, cây cà phê sẽ chết đến rễ và phải trồng mới. Khi đó, thời gian cho thu hoạch sẽ kéo dài đến 4 năm. Theo thống kê ban đầu, có gần 600ha cây cà phê phải đốn để đảm bảo khả năng tái sinh. Đối với các vườn ươm cà phê, người dân cần phải thực hiện ngay các giải pháp phủ bạt, xử lý hun khói bằng trấu vào buổi sáng để tan nước và sương muối đọng trên cây cà phê.
Đặc biệt, đối với diện tích cây cà phê đang cho thu hoạch, ngành nông nghiệp đã yêu cầu các hộ dân cần khẩn trương hái quả để đảm bảo chất lượng. Cùng với đó, trong thời gian chờ cây cà phê tái sinh, ngành nông nghiệp cũng vận động người dân trồng xen canh các cây ngắn ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây cà phê và có thu nhập tạm thời. Đồng thời, đơn vị cũng tiến hành rà soát diện tích bị ảnh hưởng, đề xuất với tỉnh sớm có giải pháp khắc phục và hỗ trợ cho những hộ dân bị thiệt hại.
Hữu Quyết