Nông dân huyện Trần Đề, Sóc Trăng đang tích cực bơm nước vào ruộng trước những cảnh báo về hạn mặn sắp tới. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN |
Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tình hình thời tiết, thủy văn những tháng mùa khô 2019-2020 sẽ diễn biến phức tạp nên cả ngành nông nghiệp và nông dân cần cập nhật liên tục tình hình và những diễn biến bất thường, cực đoan của các hiện tượng thời tiết nhằm đảm bảo một vụ sản xuất thành công. Sau đợt hạn hán, xâm nhập mặn được xem là khốc liệt và gây thiệt hại nặng nề đối với nông dân các huyện Long Phú, Trần Đề, Mỹ Xuyên… vào năm 2015-2016, tỉnh Sóc Trăng đã tích cực đầu tư nâng cấp, tu bổ mới hệ thống công trình thủy lợi và nạo vét kênh nội đồng.
Đợt hạn mặn lịch sử 2015-2016 đã làm nhiều diện tích lúa của nông dân Sóc Trăng bị mất trắng.Ảnh: Chanh Đa-TTXVN |
Hơn nữa, ngành chức năng cũng liên tục khuyến cáo nông dân sản xuất lúa theo đúng lịch thời vụ, sản xuất các giống lúa có sức chống chịu cao với hạn, mặn. Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, trước những dự báo về tình trạng xâm nhập mặn sẽ có tác động đến sản xuất của người dân, tỉnh Sóc Trăng đã triển khai nhiều biện pháp nhằm phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô 2019-2020 với việc vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn; quản lý chặt chẽ nguồn nước, chống rò rỉ, thất thoát nguồn nước ngọt. Đặc biệt, trong giai đoạn hạn, mặn diễn biến gay gắt cần ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, tưới cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao; duy tu bảo dưỡng thường xuyên các công trình thủy lợi. Đặc biệt, tổ chức quan trắc theo dõi độ mặn tại các công trình để vận hành đóng mở cửa cống đảm bảo lấy nước tưới vào đồng ruộng có độ mặn không vượt quá mức cho phép; khuyến cáo hộ dân không xuống giống tại các khu vực không đảm bảo nguồn nước ngọt. Nhờ sự chủ động trong kế hoạch sản xuất cho các trà lúa được sớm hơn nên đến nay vụ Thu Đông năm 2019-2020 đang phát triển thuận lợi, đủ lượng nước ngọt trong sản xuất. Còn các trà lúa của vụ Đông Xuân năm 2019-2020, tại khu vực vùng Long Phú - Tiếp Nhật (thuộc hai huyện Long Phú và Trần Đề) với khoảng 34.000 ha và vùng hở Dự án Kế Sách (huyện Kế Sách) với khoảng 19.000 ha đang có nguy cơ thiếu nước ngọt trong thời gian tới. Tuy nhiên, ngành chức năng đã lên kế hoạch để chủ động ứng phó, đảm bảo cho người dân có vụ sản xuất thành công.
Tích cực vận hành hệ thống cống, tích trữ nước ngọt, ngăn mặn nhằm đảm bảo một vụ sản xuất thành công. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN |
Theo dự báo, trong mùa khô năm 2019-2020, ở Đồng bằng sông Cửu Long dòng chảy thiếu hụt, lượng mưa ít nên hạn hán, xâm nhập mặn đến sớm và nặng hơn trung bình nhiều năm. Từ tháng 12, xâm nhập mặn ảnh hưởng tới việc lấy nước của các công trình thủy lợi trong phạm vi cách biển từ 30 đến 35 km; từ tháng 1 đến tháng 2/2020, ranh mặn lấn sâu vào nội địa vùng các cửa sông tại Đồng bằng sông Cửu Long từ 45 đến 55 km. Trước những dự báo trên, với đặc thù là một địa phương giáp biển, từng bị hạn mặn xâm nhập và gây ảnh hưởng nặng nề, để chủ động cho vụ sản xuất lúa của tỉnh đạt hiệu quả và giảm được những thiệt hại một cách thấp nhất, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đã đưa ra những khuyến cáo đối với nông dân trên địa bàn tỉnh có những biện pháp, kế hoạch ứng phó với những diễn biến bất lợi từ thời tiết, thủy văn. Ngoài ra, ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng sẽ tăng cường dự báo tình hình xâm nhập mặn hay các đợt triều cường, đặc biệt xảy ra trong tháng này và vào tháng 1/2020, cũng như phối hợp các đơn vị chuyên môn thường xuyên thông báo tình hình khí tượng thủy văn. Theo đó, để những diễn biến bất lợi của thời tiết, tình hình xâm nhập mặn và dịch hại không gây ảnh hưởng nặng nề đến quá trình sản xuất của người dân trong vụ mùa năm 2019-2020, các cấp, các ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng cũng chủ động trong chỉ đạo đơn vị trực thuộc chuyên môn, rà soát lại tình hình thực tế trên địa bàn và có kế hoạch sản xuất, xây dựng lịch thời vụ cụ thể cho từng vùng; cũng như phân công cán bộ kỹ thuật phụ trách địa bàn, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra kịp thời nắm tình hình và đề xuất các giải pháp nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Mặt khác, ngành nông nghiệp xây dựng lịch thời vụ sản xuất, cơ cấu giống phù hợp; chỉ đạo sản xuất chặt chẽ từng mùa vụ; thông tin tình hình dịch hại và đề xuất các giải pháp phòng trừ cũng như cung ứng đầy đủ giống đạt chất lượng phục vụ sản xuất trong tỉnh. Để các vụ mùa thắng lớn, ngành chuyên môn khuyến cáo nông dân sử dụng các giống lúa phù hợp từng vùng; bố trí thời vụ tránh mặn, hạn cuối vụ ở những vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng cao, nhất là ở các khu vực Long Phú - Tiếp Nhựt và vùng giáp ranh tỉnh Bạc Liêu. Riêng tại những vùng có điều kiện sản xuất lúa khó khăn, không cho hiệu quả kinh tế thì ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chuyển đổi cơ cấu sang cây trồng khác hoặc nuôi trồng thủy sản cũng như sử dụng giống xác nhận trong sản xuất; thay đổi cơ cấu giống, sử dụng các giống lúa có năng suất, chất lượng cao, có khả năng chống chịu với những điều kiện bất lợi về thời tiết.
Chanh Đa