Trong đợt hạn hán và xâm nhập mặn 2019-2020 được xem là gay gắt nhất từ trước đến nay, nông dân Sóc Trăng không tránh khỏi những thiệt hại trong sản xuất khi hơn 4 nghìn ha lúa bị mất trắng, hàng chục ha cây ăn trái, rau màu bị ảnh hưởng... Hạn hán và xâm nhập mặn cũng làm ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân trên địa bàn tỉnh, khiến hàng chục nghìn hộ tại các địa phương như Trần Đề, Long Phú, Kế Sách…bị thiếu nước sinh hoạt.
Nhờ sự quyết liệt trong công tác chỉ đạo của các cấp chính quyền, cùng sự tuân thủ của người dân trong các khuyến cáo của ngành chức năng, vượt qua những yếu tố bất lợi của thời tiết cực đoan, tình trạng hạn hán xâm nhập mặn khốc liệt, cả ngành nông nghiệp và người dân Sóc Trăng lại có thêm những “bài học” kinh nghiệm quý báu trong công tác ứng phó, giảm thiểu những tác động bất lợi của hạn hán và xâm nhập mặn.
Để chủ động trong vụ sản xuất 2020-2021 khi tình hình thời tiết được dự báo sẽ tiếp tục diễn biến khó lường, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo và khuyến cáo bà con nông dân trong tỉnh xuống giống sớm hơn lịch thời vụ hàng năm 1 tháng, để thời điểm thu hoạch lúa vụ Đông Xuân chính vụ đúng vào thời điểm trước và sau Tết. Đặc biệt, ngành chức năng khuyến cáo nông dân không sản xuất lúa vụ 3 do mức độ rủi ro quá lớn.
Theo đó, nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đã chủ động chuyển dịch cơ cấu vụ sản xuất, xuống giống lúa vụ Hè Thu sớm hơn so với các năm trước, nhằm hạn chế sức ảnh hưởng và tác động của tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn. Thực tế là trong vụ sản xuất lúa vụ Hè Thu vừa qua, nông dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng “trúng đậm” về giá cả lẫn năng suất, nhất là người dân thu hoạch càng sớm, lúa càng có giá, lãi càng nhiều.
Theo Chỉ thị 36/ CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc chủ động triển khai các biện pháp ứng phó nguy cơ hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn trong mùa khô 2020-2021 ở Đồng bằng sông Cửu Long: năm 2020, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, thiếu nước, mặn xâm nhập vào các tháng mùa khô 2020-2021, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và dân sinh ở mức cao đến nghiêm trọng. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, mặn xâm nhập, thiếu nước để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất và dân sinh. Trước tình hình này, ngành chức năng tỉnh Sóc Trăng đã sớm chủ động, triển khai kế hoạch và các giải pháp ứng phó.
Ông Lưu Hữu Danh, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Trần Đề cho biết, để chủ động công tác phòng, chống hạn mặn theo tinh thần Chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện đặc biệt quan tâm đối với chuyển đổi mùa vụ sản xuất và cung cấp nước sạch ở vùng nông thôn.
Do tình hình mặn xâm nhập hiện nay, theo sự chỉ đạo của Ủy ban nhân tỉnh, Chỉ thị 36/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, huyện Trần Đề xác định, năm nay khi thu hoạch xong lúa Hè Thu, huyện sẽ chỉ đạo cho bà con sớm cải tạo đất xuống giống ngay vụ lúa Đông Xuân cho kịp thời; chuyển đổi giống sang các dòng lúa chịu mặn cao như ST, Đài Thơm…, đồng thời khuyến cáo bà con tuyệt đối không xuống giống lúa vụ 3 để tránh thiệt hại.
Ông Võ Thanh Quang, Bí thư Huyện ủy Cù Lao Dung thông tin, huyện có 12 ngàn ha đất phục vụ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng rau màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản. Hiện nay, Cù Lao Dung đang hướng tới hoàn thiện các công trình hệ thống cống, đê bao ngăn mặn, để bảo vệ vùng sản xuất. Ngoài ra, tiếp tục hình thành những sản xuất tập trung với diện tích mỗi vùng rộng từ 6 ha trở lên, kết hợp xây dựng hồ chứa nước ngọt, ứng dụng tưới tiêu tiết kiệm. Được biết, mô hình này đã phát huy hiệu quả cao trong đảm bảo nguồn nước ngọt tưới tiêu cho cây trồng trong ứng phó mùa khô hạn vừa qua.
Để chủ động ứng phó nhanh, kịp thời và có hiệu quả trước dự báo thiếu nước ngọt trong mùa khô sắp tới, tỉnh Sóc Trăng tập trung thông tin về nguy cơ hạn mặn đến nhân dân; tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân tích cực tích trữ nguồn nước ngọt phục vụ sinh hoạt, sản xuất; đồng thời nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo đến người dân về tình hình hạn, mặn để có giải pháp ứng phó.
Về giải pháp công trình, tỉnh Sóc Trăng cũng chỉ đạo tích cực việc duy tu, sửa chữa, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình thủy lợi hư hỏng, xuống cấp, nạo vét kênh, mương, đắp đập ngăn mặn. Tỉnh khuyến cáo người dân xuống giống đúng theo kế hoạch của ngành nông nghiệp, nhất là những khu vực có nguy cơ cao bị thiếu nước ngọt, chỉ sản xuất 2 vụ lúa ăn chắc và sử dụng giống lúa chịu mặn tốt, cương quyết không để người dân xé rào, gây thiệt hại sản xuất. Sóc Trăng cũng đẩy nhanh tiến độ thi công mở mạng các hệ thống cấp nước sinh hoạt để phục vụ cho nhân dân…
Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng, đối với lĩnh vực trồng trọt thì khuyến cáo người dân xuống giống đúng theo lịch thời vụ và phù hợp với khả năng đáp ứng nguồn nước của từng vùng; sử dụng các nguồn nước thích nghi có điều kiện và phù hợp với hạn mặn. Bên cạnh đó, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và lĩnh vực canh tác, chăm sóc cây trồng trong điều kiện thiếu nước ngọt...
Tỉnh Sóc Trăng khuyến khích nông dân chủ động chuyển đổi những diện tích đất nông nghiệp kém hiệu quả sang những cây trồng, vật nuôi, cây màu có hiệu quả kinh tế cao, để thích ứng với sự biến đổi khí hậu; hạn chế sự tác động của hạn hán và xâm nhập mặn...
Chanh Đa