Siết chặt công tác quản lý đất rừng phòng hộ và khu vực đèo Ngoạn Mục

Người dân tự ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ để mở quán ăn uống bên đường Quốc lộ 27 thuộc đoạn đường đèo Ngoạn Mục. Ảnh: Công Thử - TTXVN
Người dân tự ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ để mở quán ăn uống bên đường Quốc lộ 27 thuộc đoạn đường đèo Ngoạn Mục. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Tại khu vực đất lâm nghiệp thuộc tiểu khu 62, lâm phần do Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận) quản lý và phần đất thuộc hành lang Quốc lộ 27 (đoạn từ Km50 đến hết địa phận xã Lâm Sơn, huyện Ninh Sơn, nằm dọc hai bên đèo Ngoạn Mục) do Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 quản lý có nhiều phát sinh về việc cơi nới, vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng. Do việc kiểm tra quản lý và xử lý vi phạm của các đơn vị còn lỏng lẻo, chưa nghiêm nên tình trạng vi phạm vẫn xảy ra trong thời gian dài, gây bức xúc trong dư luận.

Siết chặt công tác quản lý đất rừng phòng hộ và khu vực đèo Ngoạn Mục ảnh 1Người dân tự ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ để mở quán ăn uống bên đường Quốc lộ 27 thuộc đoạn đường đèo Ngoạn Mục. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Ninh Sơn Nguyễn Đức Hòa, đối với đất lâm nghiệp, Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha có trách nhiệm quản lý, bảo vệ rừng và đất rừng đã được UBND tỉnh giao để quản lý; đồng thời, có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ trong việc tổ chức quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn của từng địa phương, tổ chức các hoạt động tuyên truyền giáo dục, vận động quần chúng cùng tham gia tích cực vào công tác quản lý, bảo vệ rừng.

Đối với đất xây dựng công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn, cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp bị lấn chiếm, sử dụng trái phép, cơ quan phải kịp thời báo cáo và yêu cầu UBND cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn công trình xử lý theo đúng quy định tại Điều 56, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Siết chặt công tác quản lý đất rừng phòng hộ và khu vực đèo Ngoạn Mục ảnh 2Người dân tự ý lấn chiếm đất rừng phòng hộ để mở quán ăn uống bên đường Quốc lộ 27 thuộc đoạn đường đèo Ngoạn Mục. Ảnh: Công Thử - TTXVN

Theo ông Nguyễn Đức Hòa, quy định đã rõ ràng nhưng do công tác quản lý còn buông lỏng nên có nhiều trường hợp lấn chiếm làm lều, dựng quán bán buôn trong nhiều năm. Thống kê sơ bộ của UBND huyện Ninh Sơn, có đến 26 trường hợp là người dân và tổ chức vi phạm lấn chiếm đất đai tại lâm phần do Ban quản lý rừng phòng hộ Krông Pha quản lý và phần đất thuộc hành lang Quốc lộ 27, nằm dọc hai bên đèo Ngoạn mục. Đến nay, chỉ có 6 trường hợp vi phạm bị xử lý vi phạm hành chính nhưng việc khắc phục hậu quả cũng chưa được thực hiện.

UBND huyện Ninh Sơn đã nhiều lần chỉ đạo xã Lâm Sơn và các phòng chuyên môn phối hợp với Hạt Kiểm lâm Ninh Sơn, Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha và Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai, xây dựng. Tuy nhiên đến nay, tình trạng vi phạm hành chính về đất đai, đặc biệt là đất lâm nghiệp, đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình như: tự ý dựng chòi, lán và đào đắp taluy dọc Quốc lộ 27 vẫn chưa được giải quyết dứt điểm, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận và tình hình an ninh, trật tự tại địa phương.

Siết chặt công tác quản lý đất rừng phòng hộ và khu vực đèo Ngoạn Mục ảnh 3Công ty TNHH Xây Dựng Phan Đình lấn, chiếm đất với thuộc hành lang bảo vệ an toàn Quốc lộ 27 và một phần diện tích đất thuộc lâm phần rừng phòng hộ Krông Pha để thực hiện hành vi dựng nhà tiền chế, rải nhựa đường… Ảnh: Công Thử - TTXVN

Nguyên nhân của tình trạng trên được UBND huyện xác định là do nhiều trường hợp là người ngoài địa phương làm chòi, lán tạm đã diễn ra từ trước; trong khi đó, việc xác định hành vi vi phạm còn nhiều phức tạp liên quan đến các quy định pháp luật về đất đai, xây dựng nên khó khăn trong công tác xử lý. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát của chính quyền địa phương chưa thường xuyên. Ban Quản lý rừng phòng hộ Krông Pha là đơn vị được giao đất, giao rừng để quản lý nhưng chưa chủ động kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. Chi cục Quản lý đường bộ IV.1 là đơn vị trực tiếp quản lý đường bộ nhưng thiếu kiểm tra, thanh tra thường xuyên dẫn đến các hộ dân dựng chòi, quán, đào, đắp taluy dọc Quốc lộ 27 trong phạm vi hành lang đường bộ, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến công trình công cộng nhưng chưa được ngăn chặn, xử lý dứt điểm.

Để lập lại trật tự và xử lý tình trạng trên, UBND huyện Ninh Sơn và các đơn vị chức năng của tỉnh Ninh Thuận được giao quản lý cần tăng cường tuyên truyền, vận động các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân chấp hành nghiêm pháp luật về đất đai, xây dựng, chấp hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và hoàn thành các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng quy định; đặc biệt phải xử lý nghiêm minh trường hợp vi phạm đã bị xử phạt nhưng vẫn không chấp hành theo đúng quy định của pháp luật.

Công Thử

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm