Tỉnh Phú Yên đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quản lý bảo vệ rừng. Mặc dù vậy, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp vẫn xảy ra, hủy hoại, gây thất thoát tài nguyên, tạo nhiều bức xúc trong dư luận. Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh cần được quan tâm đúng mức để rừng không còn bị chảy máu, đồng thời, phát huy hiệu quả tài nguyên rừng, đất rừng.
Rừng vẫn chảy máu
Ngày 6/5/2020, phóng viên Thông tấn xã Việt Nam cùng các đồng nghiệp đã thâm nhập thực tế và liên tục đưa tin về vụ phá rừng giáp ranh giữa hai huyện Tây Hòa và Sông Hinh, ghi nhận việc lâm tặc ngang nhiên đưa xe cơ giới “mở toang” nhiều con đường vào giữa rừng để triệt hạ, tận thu lâm sản trong suốt một thời gian dài.
Vào cuộc điều tra, các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên nhận định, "lâm tặc" đã huy động xe cơ giới san ủi, mở ba con đường với tổng chiều dài hơn 2.300m, tổ chức đốn hạ 335 cây gỗ rừng tự nhiên tại các tiểu khu 312, 358 do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Sông Hinh, huyện Sông Hinh và Ủy ban nhân dân xã Sơn Thành Tây, huyện Tây Hòa quản lý. Từ kết quả điều tra, Công an tỉnh Phú Yên đã ra quyết định khởi tố 19 bị can đều trú tại huyện Tây Hòa về tội "Vi phạm các quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản" được quy định tại Điều 232 Bộ luật Hình sự năm 2015. Việc điều tra, khởi tố các bị can liên quan đến nay vẫn chưa dừng lại…
Tiếp đó, trong tháng 8/2020, từ nguồn tin báo của người dân, phóng viên đã tiếp tục thâm nhập thực tế “mục sở thị” tình trạng xâm hại rừng, phát dọn lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại xã Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân. Trên 50 ha rừng, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm trái phép (trong đó có 11 ha rừng phòng hộ). Điều đáng nói, tình trạng xâm hại rừng, phát dọn lấn chiếm đất lâm nghiệp “nở rộ” tại cả 6 tiểu khu (59, 67, 72, 73, 74, 75) trước sự bất lực của chủ rừng.
Sau phản ánh của Thông tấn xã Việt Nam, ngày 26/8/2020, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương đã trực tiếp thực địa kiểm tra, chỉ đạo điều tra việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại xã Phú Mỡ. Các cơ quan chức năng của tỉnh Phú Yên đã nhanh chóng vào cuộc điều tra xác định có 47 người tham gia phá rừng, phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại địa phương này. Đặc biệt, 13 cán bộ, đảng viên xã Phú Mỡ, những người đứng đầu tại địa phương, biết trước về chủ trương chuyển đổi, giao đất, giao rừng, am hiểu về pháp luật nhưng cũng đã “ra tay” với rừng.
Ngày 16/9/2020, Văn phòng Chính phủ có công văn số 7732/VPCP-NN truyền đạt chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật về tình trạng phá rừng ở Phú Yên do các cơ quan báo chí đã phản ánh.
Trước những dấu hiệu các cán bộ, đảng viên có những vi phạm liên quan đến phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép tại xã Phú Mỡ. Sau gần 3 tháng kiểm tra, ngày 29/12/2020, Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Đồng Xuân đã ra quyết định kỷ luật với hình thức khiển trách đối với tập thể Ban Thường vụ Đảng ủy xã Phú Mỡ nhiệm kỳ 2020-2025 do thiếu trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo quản lý bảo vệ và phát triển rừng; khiển trách, cảnh cáo 12 cá nhân là Bí thư, Phó Bí thư, Chủ tịch, cán bộ, đảng viên xã Phú Mỡ có liên quan và trực tiếp phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái pháp luật.
Bất cập trong quản lý, giao đất, giao rừng
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên, diện tích đất có rừng của tỉnh gần 237.000 ha, trong đó, rừng tự nhiên gần 128.000 ha, còn lại là rừng trồng. Sau khi rà soát, điều chỉnh phân loại 3 loại rừng (đặc dụng, phòng hộ và rừng sản xuất), việc thu hồi đất từ các Ban Quản lý rừng về cho chính quyền cấp xã quản lý đang tồn tại nhiều bất cập.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Lý Nguyên cho biết, năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh đã Quyết định số 318/QĐ-UBND ngày 21/2/2013 thu hồi gần 27.000 ha đất của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý, để các địa phương lập phương án giao đất lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng theo quy định pháp luật. Tại huyện Đồng Xuân, đất lâm nghiệp được chuyển giao cho ba xã Phú Mỡ, Xuân Lãnh, Xuân Quang 1 với diện tích hơn 12.000 ha. Tuy nhiên, từ khi triển khai quyết định trên tỉnh, nguồn kinh phí cho việc đo đạc, cắm mốc giao đất thực địa cho địa phương vẫn chưa bố trí được.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ La O Hóa chia sẻ, Phú Mỡ là một xã vùng sâu, 80% diện tích là đồi núi, chủ yếu là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Hiện địa phương đang quản lý 15.000 ha rừng phòng hộ. Nhiều diện tích rừng chỉ là đồi trọc, cây bụi mọc nhưng vẫn được quy vào rừng phòng hộ. Trong khi đó, cả xã chỉ có một cán bộ mảng lâm nghiệp, để quản lý bảo vệ rừng, với diện tích rừng phòng hộ lớn như hiện tại là quá sức với địa phương. Ngoài ra, do sức ép gia tăng dân số, một bộ phận người đồng bào dân tộc thiểu số địa phương thiếu đất sản xuất, đã phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép. Trong khi đó, các phương án cấp đất sản xuất cho người dân chậm triển khai đã gây khó khăn nhiều cho cấp xã khi nhận quản lý đất lâm nghiệp từ các ban quản lý rừng về địa phương.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Đồng Xuân Nguyễn Hữu Từ, kinh phí để thực hiện đo đạc đối với diện tích đất lâm nghiệp địa phương nhận từ Ban Quản lý rừng phòng hộ giao cho ba xã quản lý khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, huyện Đồng Xuân là huyện miền núi, kinh tế còn khó khăn, chưa phân bổ kinh phí cho các xã thuê đơn vị tư vấn thực hiện các bước theo quy định để có phương án giao đất cho nhân dân sử dụng, bảo vệ và phát triển rừng theo Quyết định số 318/QĐ-UBND của Ủy ban nhân dân tỉnh nên việc cấp đất cho người dân chậm trễ, kéo dài.
Từ đầu năm 2020, Ủy ban nhân dân xã Phú Mỡ tiến hành đo đạc xây dựng phương án giao đất cho nhân dân, trình huyện Đồng Xuân phê duyệt. Trong khi đang chờ các cơ quan chuyên môn thẩm định, trình phê duyệt phương án giao đất, một bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên của xã đã lợi dụng chủ trương tự ý phát dọn, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép.
Theo báo cáo kết quả giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên việc thực hiện chính sách, pháp luật về giao đất, cho thuê đất; giao rừng, cho thuê rừng cho cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân và các tổ chức, giai đoạn 2011- 2019. Hiện diện tích đất lâm nghiệp của các Ban Quản lý rừng giao trả lại cho Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý chờ phương án giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân (chiếm khoảng 31,8% đất lâm nghiệp toàn tỉnh). Tuy nhiên, diện tích này chưa được đo đạc hiện trạng, chưa rõ ranh giới, thực địa khu đất...dẫn đến chậm thực hiện việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giao đất, giao rừng cho hộ gia đình, cá nhân.
Nhiều trường hợp người dân tự ý phá rừng, lấn rừng mở rộng diện tích trồng sắn, mía; xâm hại tài nguyên rừng, làm thay đổi hình thể lô và hiện trạng rừng so với nội dung đã ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp. Các Ban quản lý rừng phòng hộ/đặc dụng giữ phần diện tích đất lâm nghiệp lớn để quản lý, bảo vệ nhưng chưa đủ khả năng, nguồn lực để sử dụng và bảo vệ hiệu quả phần diện tích rừng được giao.
Ngoài ra, Phú Yên mới chỉ hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh Quy hoạch 3 loại rừng, chưa hoàn thành việc chuyển loại rừng sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch.
Chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng, đất rừng
Nhằm nâng cao hiệu quả công tác lãnh, chỉ đạo bảo vệ rừng, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên đã ban hành Chỉ thị 20CT/UBND về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả các biện pháp bảo vệ phát triển rừng.
Chỉ thị nêu rõ, tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp trái phép, sử dụng đất lâm nghiệp sai mục đích trên địa bàn tỉnh diễn ra phức tạp về cả tính chất, quy mô nhưng chưa được kiểm tra, xử lý kịp thời, đặc biệt là các khu rừng tự nhiên và rừng giao lại cho địa phương sau khi rà soát, sắp xếp lại các Ban Quản lý rừng, rừng giáp danh, diện tích rừng bị giao khoán cho hộ gia đình bị xâm hại nghiêm trọng.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên yêu cầu lãnh đạo các sở, ngành, chính quyền các địa phương, chủ rừng tăng cường kiểm tra, thanh tra, giám sát toàn diện đối với công tác quản lý, bảo vệ rừng, tổ chức truy quét nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép, cương quyết điều tra, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về lâm nghiệp. Đồng thời, khẩn trương rà soát, điều chỉnh lại diện tích của các Ban Quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng để tiến hành giao lại cho địa phương. Diện tích có rừng giao lại cho địa phương phải được tổ chức bảo vệ tốt, tránh lợi dụng chuyển giao rừng để phá rừng, lấy đất sản xuất, nhất là những diện tích rừng tự nhiên.
Hội đồng nhân dân tỉnh Phú Yên đã yêu cầu Ủy ban nhân dân tỉnh sớm thực hiện đo đạc, lập bản đồ địa chính; cắm mốc phân định ranh giới các loại rừng trên thực địa và lập hồ sơ quản lý. Khẩn trương hoàn thành chuyển loại rừng sau khi rà soát, điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua. Đồng thời, rà soát quỹ đất lâm nghiệp (bao gồm đất có rừng và đất chưa có rừng) chưa giao hiện đang do Ủy ban nhân dân xã tạm quản lý và của các Ban quản lý rừng, các doanh nghiệp, tổ chức, các hộ gia đình sử dụng không hiệu quả hoặc không sử dụng để có kế hoạch thu hồi giao cho các doanh nghiệp, tổ chức, các hộ gia đình có nhu cầu và đầy đủ năng lực sử dụng, nhằm phát huy có hiệu quả tiềm năng, lợi thế của rừng và đất rừng.
Bất cập trong công tác quản lý bảo vệ rừng, giao đất giao rừng trên địa bàn tỉnh Phú Yên đã tồn tại một thời gian dài cần được khắc phục sớm để ngăn chặn tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất nghiệp, cấp đất sản xuất ổn định, lâu dài cho người dân, doanh nghiệp, nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ phát triển rừng của tỉnh trong thời gian đến.
Phạm Cường