Hội nghị Chính phủ với địa phương: Đề nghị ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển, bảo vệ rừng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương (triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch triển khai phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương (triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch triển khai phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Chiều 28/12, tham luận tại Hội nghị Chính phủ với địa phương, lãnh đạo nhiều tỉnh, thành phố đã đề xuất Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chính sách bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng; sửa đổi, bổ sung chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp...

Trước đó, trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh: "Bên cạnh hai trụ cột kinh tế và xã hội, chúng ta phải chú trọng hơn nữa vấn đề môi trường. Mọi người đều phải có trách nhiệm nhiệm bảo vệ môi trường, từ không khí cho đến nguồn nước, từ dòng sông cho đến con suối, từ hồ ra đến biển. Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Chính phủ đã yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên. Trước Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất trồng 1 tỷ cây xanh trong 5 năm tới".

Hội nghị Chính phủ với địa phương: Đề nghị ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển, bảo vệ rừng ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị Chính phủ với các địa phương (triển khai Nghị quyết của Quốc hội khóa XIV về kế hoạch triển khai phát triển kinh tế - xã hội năm 2021. Ảnh: Thống Nhất – TTXVN

Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn cho biết, về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp, với tiềm năng, lợi thế và xu hướng phát triển của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua, Kon Tum xác định nông nghiệp công nghệ cao gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ là 1 trong 3 lĩnh vực đột phá phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới; đồng thời, đặt mục tiêu đến năm 2025 phát triển thêm 15.000 ha rừng, nâng độ che phủ rừng đạt tối thiểu 64%.

Cũng theo ông Lê Ngọc Tuấn, mặc dù Trung ương đã ban hành cơ bản đầy đủ chính sách về phát triển rừng, nhưng nguồn vốn thực hiện hạn chế; chế tài xử phạt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng vẫn chưa đủ mạnh để răn đe; đời sống người dân tại vùng sâu, vùng xa, vùng gần rừng còn nhiều khó khăn và thiếu đất sản xuất, dẫn đến bị các đối tượng dụ dỗ khai thác rừng trái phép...

Tỉnh Kon Tum đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ kinh phí để thực hiện các chính sách của Đề án bảo vệ, khôi phục và phát triển rừng bền vững vùng Tây Nguyên giai đoạn 2016 – 2030, nhất là các chính sách về phát triển rừng gắn với hỗ trợ sinh kế và phát triển hạ tầng phục vụ ngành công nghiệp chế biến gỗ để thúc đẩy người dân trồng rừng; sửa đổi, bổ sung các chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm Luật Lâm nghiệp theo hướng giảm khối lượng để đủ định lượng khởi tố hình sự vụ án, điều tra và xét xử các hành vi xâm hại tài nguyên rừng.

Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum, sâm Ngọc Linh và dược liệu nói chung là tiềm năng lớn của quốc gia, tuy nhiên, việc mở rộng diện tích đang gặp nhiều khó khăn do vướng quy định của Luật Lâm nghiệp nên chưa thể nuôi trồng, phát triển sâm Ngọc Linh cũng như cây dược liệu dưới tán rừng đặc dụng.

Do đó, tỉnh Kon Tum kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sớm có giải pháp tháo gỡ cho các địa phương thực hiện thí điểm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng. Riêng tỉnh Kon Tum đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phương án thí điểm phát triển sâm Ngọc Linh và dược liệu khác dưới tán rừng đặc dụng theo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị đầu tư, phát triển sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác tỉnh Kon Tum.

Đề xuất nâng mức hỗ trợ đối với hộ dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng

Trong tham luận tại Hội nghị, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang kiến nghị Chính phủ tăng mức hỗ trợ đối với các hộ gia đình dân tộc thiểu số nhận khoán bảo vệ rừng theo Nghị định số 75/2015/NĐ-CP (tăng từ 400.000 đồng/ha/năm lên 1.000.000 đồng/ha/năm). Lý do là hiện nay mức hỗ trợ 400.000 đồng/ha/năm là thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống của người dân.

Tỉnh Tuyên Quang đề nghị Trung ương nghiên cứu ban hành chính sách đặc thù hỗ trợ các địa phương trong phát triển, bảo vệ rừng đầu nguồn; bảo vệ nguồn nước và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, tỉnh đề nghị nâng mức hỗ trợ trồng rừng sản xuất lên mức 30 triệu đồng/ha; ban hành chính sách khoanh nuôi tái sinh tự nhiên ở mức 6 triệu đồng/6 năm/1ha; khoanh nuôi tái sinh có trồng bổ sung bằng cây gỗ lớn mức 10 triệu đồng/6 năm cho phù hợp, bảo đảm cho người dân tích cực chăm sóc bảo vệ rừng.

Cũng kiến nghị về quản lý rừng, lâm nghiệp, tỉnh Yên Bái mong muốn Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận chủ trương và chỉ đạo các bộ, ngành ở Trung ương quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện xây dựng đề án Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao miền Bắc tại tỉnh Yên Bái. Tỉnh Yên Bái kiến nghị Chính phủ sớm tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển mục đích sử dụng rừng tự nhiên đối với các dự án truyền tải điện.

Hiện nay, tỉnh Yên Bái và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đang triển khai thực hiện một số dự án truyền tải điện từ nguồn ngân sách nhà nước có sử dụng một phần đất rừng tự nhiên. Do đó, tỉnh đã đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng rừng tự nhiên sang mục đích khác đối với các công trình này. Tuy nhiên, đến nay đề nghị này chưa được chấp thuận, do đó, tỉnh Yên Bái và EVN chưa có căn cứ để triển khai các bước tiếp theo.

Xuân Tùng

TTXVN

Có thể bạn quan tâm