Sáu lời khuyên từ chuyên gia khoa học thần kinh giúp hóa giải tâm trạng lo âu

Sáu lời khuyên từ chuyên gia khoa học thần kinh giúp hóa giải tâm trạng lo âu

Trong cuộc sống hiện đại với nhiều áp lực, không ít người có cảm giác lo âu hoặc căng thẳng vì nhịp sống gấp không cho họ nhiều cơ hội được thư giãn. Tuy nhiên, khi đại dịch COVID-19 xuất hiện kéo theo các biện pháp giãn cách và hạn chế đi lại trong thời gian dài, sự tù túng và mông lung về ngày được trở lại trạng thái bình thường cũng khiến ngày càng nhiều người xuất hiện tâm lý này.

Mới đây, Tiến sĩ Wendy Suzuki chuyên ngành khoa học thần kinh và cũng là giáo sư tại Trung tâm Khoa học thần kinh thuộc đại học New York, (Mỹ) đã có bài chia sẻ trên CNBC về cách hóa giải tâm trạng lo âu. Sau nhiều năm nghiên cứu, nữ tiến sĩ đã đúc kết lại rằng việc rèn luyện khả năng chịu đựng và sức khỏe tâm thần mỗi ngày là một cách rất hiệu quả để giải tỏa tâm lý lo lâu. Trong quá trình đó, mỗi người sẽ học được cách đón nhận những khó khăn hoặc cả những sai lầm một cách dễ chịu nhất. Bà chỉ ra 6 cách tập luyện hằng ngày để hóa giải tâm lý lo âu.

Thứ nhất, tập hình dung về những kết quả tích cực. Theo bà, mỗi khi bắt đầu hoặc kết thúc một ngày, chúng ta có thể nghĩ về tất cả những tình huống bất ổn trong cuộc sống, bất kể lớn hay nhỏ. Sau đó, hãy tưởng tượng về những kết quả tốt đẹp nhất, tích cực nhất cho mỗi tình huống. Theo nhà khoa học này, việc làm trên sẽ không khiến bạn bị thất vọng nhiều hơn nếu kết quả không như ý mà ngược lại sẽ giúp bạn củng cố niềm tin vào những kết quả tích cực và thậm chí còn mở ra những ý tưởng mới mẻ để giúp bạn tạo ra kết quả như mong muốn.

Thứ hai, biến lo âu thành động lực. Theo chuyên gia này, não bộ con người có tính khả biến hay chính là khả năng thay đổi của các mạng lưới thần kinh trong não thông qua sự tăng trưởng và tái tổ chức noron, cả về mặt cấu trúc lẫn chức năng, nhằm thích nghi với sự thay đổi của môi trường. Điều đó giúp con người có thể học cách trấn tĩnh, đánh giá lại tình hình, sắp xếp lại suy nghĩ để có thể đưa ra các quyết định thông suốt hơn. Và bạn có thể tận dụng khả năng này để nhắc nhở chính mình rằng lo âu không nhất thiết là một trạng thái tồi tệ. Ví dụ, tức giận có thể khiến bạn mất tập trung và mất khả năng hành xử đúng nhưng cũng có thể biến thành động lực để bạn tập trung hơn và như một lời nhắc nhở về điều gì là quan trọng. Hay tâm trạng lo sợ có thể khiến bạn nhớ về những thất bại trong quá khứ, mất tập trung và làm việc kém hiệu quả nhưng cũng có thể nhắc nhở bạn cần cẩn thận hơn và tạo ra cơ hội chuyển hướng hành động. Sự buồn bã sẽ kéo tinh thần bạn đi xuống nhưng cũng có thể trở thành động lực khiến bạn thay đổi môi trường, hoàn cảnh và hành xử…

Thứ ba, hãy thử làm một điều mới mẻ. Theo chuyên gia Suzuki, ngày nay, đặc biệt khi hầu hết các nơi đều áp dụng giãn cách, các chương trình trực tuyến cũng trở nên phong phú hơn và dễ tiếp cận hơn. Lời khuyên là hãy thử đăng ký tham gia một lớp học trực tuyến hay một sự kiện ảo. Theo bà, việc tham gia những sự kiện trực tuyến miễn phí hoặc với mức phí không đáng kể sẽ tạo hiệu quả thúc đẩy não bộ và cơ thể bạn thử một trải nghiệm mới mẻ mà có thể trước đây bạn chưa từng nghĩ tới. Bà cho rằng không cần phải thử một việc gì đó quá khó hay quá khác biệt, chỉ cần là một hoạt động đòi hỏi kỹ năng cao hơn một chút so với khả năng bản thân hoặc vượt ra vùng an toàn của bạn không quá xa.

Thứ tư, hãy chia sẻ và kết nối với mọi người xung quanh. Việc có thể nhờ sự giúp đỡ, tiếp tục duy trì kết nối với bạn bè và người thân, nuôi dưỡng các mối quan hệ tương hỗ và khích lệ sẽ không chỉ giúp bạn tránh xa cảm giác lo âu mà còn củng cố niềm tin rằng bạn không hề cô đơn. Niềm tin và cảm giác luôn có người quan tâm là những yếu tố đặc biệt quan trọng nâng đỡ tâm lý bạn mỗi khi rơi vào trạng thái căng thẳng tột độ.

Thứ năm, hãy thực hành cách tự khích lệ bản thân bằng những lời nhắc nhở tích cực vào mỗi buổi sáng và tối khi bắt đầu và kết thúc một ngày. Đó đơn giản có thể chỉ là những lời khích lệ mà bạn nghĩ là sẽ được nghe từ nguồn động viên lớn nhất của bạn như người bạn đời, người anh/chị, người bạn, người hướng dẫn hoặc cha mẹ. Trong thời đại truyền thông xã hội phổ biến, bạn có thể đăng tải những lời khích lệ đó lên mạng xã hội hoặc chỉ cần tự nói với bản thân mình.

Thứ sáu là tìm cách hòa mình vào thiên nhiên. Theo chuyên gia này, các nghiên cứu đều chỉ ra rằng việc hòa mình vào thiên nhiên sẽ tạo ra những tác động tích cực với sức khỏe tâm thần của con người. Trong bối cảnh giãn cách, bạn không nhất thiết phải tìm một khu rừng hay một công viên rộng lớn, mà hoàn toàn có thể làm điều này ở bất cứ không gian yên tĩnh nào có bóng dáng cây xanh. Hãy dành khoảng thời gian đó để kích hoạt các giác quan cảm nhận mọi chuyển động từ thiên nhiên. Việc làm này sẽ giúp bạn tái tạo năng lượng, lấy lại sự cân bằng để củng cố sức chịu đựng trong chính mình.

Lê Ánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm