Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Chiết Giang (Zhejiang), Trung Quốc vừa phát triển thành công mô hình điều hòa rối loạn lo âu xã hội (SAD) cho chuột. Thành công này được kỳ vọng sẽ trở thành công cụ hỗ trợ cho các nghiên cứu thực tế SAD sau này.
Rối loạn lo âu là rối loạn tâm thần phổ biến nhất hiện nay. Nguồn: suckhoedoisong.vn
Các nhà nghiên cứu cho biết đã phát triển một quy trình chuẩn hóa gồm 4 giai đoạn để gây ra chứng sợ xã hội ở chuột. Trong giai đoạn đầu tiên, các nhà nghiên cứu đã tách các con chuột nghiên cứu ra từng chuồng riêng rẽ trong 5 ngày. Trong giai đoạn tiếp theo, những con chuột này được tự do khám phá môi trường xung quanh mỗi lần 10 phút, để có cảm giác an toàn khi bị cô lập. Trong giai đoạn 3, các nhà nghiên cứu thả một con chuột lạ vào cùng chuồng với chuột nghiên cứu. Mỗi khi chúng tìm cách đến gần con chuột lạ, chân chúng sẽ tự động có phản ứng sốc nhẹ. Trong giai đoạn cuối cùng thử nghiệm hành vi, các nhà nghiên cứu thực hiện 2 bài kiểm tra về tương tác xã hội đối với những con chuột nghiên cứu: Bài kiểm tra trong chuồng có không gian mở để đánh giá phản ứng ngại xã hội và bài kiểm tra trong chuồng có những chiếc cột để đánh giá tương tác xã hộ. Kết quả là, những con chuột nghiên cứu giảm đáng kể thời gian ở khu vực xã hội, ít khám phá hơn và tốc độ tiếp cận thấp hơn. Bên cạnh đó, chúng có biểu hiện kéo căng cơ thể nhiều hơn khi khám phá – một phản ứng điển hình của sự sợ hãi.
Khi trong chuồng không còn các con chuột lạ mà thay bằng các đồ vật khác, những con chuột thí nghiệm không có phản ứng sợ hãi, ngay kể cả trong thử nghiệm ngoài trời hay buộc phải bơi.
Các nhà nghiên cứu cho rằng mô hình này có thể được sử dụng cho việc nghiên cứu SAD ở người. Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí chuyên ngành Neuroscience Bulletin.
Ngọc Hà