Sau gần 2 năm học nghề, hơn 500 người dân Lai Châu vẫn chưa được cấp chứng chỉ (Bài 2)

Sau gần 2 năm học nghề, hơn 500 người dân Lai Châu vẫn chưa được cấp chứng chỉ (Bài 2)

Bài 2:  Đi tìm nguyên nhân

Hơn 500 học viên đã tham gia học nghề nhưng gần hai năm vẫn phải chờ đợi từng ngày để được cấp chứng chỉ và tiền hỗ trợ. Trong khi đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu (chính quyền), Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu (cơ sở đào tạo) lại đùn đẩy, đổ trách nhiệm cho nhau để sự việc kéo dài, gây bức xúc cho người dân tham gia học nghề.

Sau gần 2 năm học nghề, hơn 500 người dân Lai Châu vẫn chưa được cấp chứng chỉ (Bài 2) ảnh 1Anh Cứ A Chư, học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp ở xã Khun Há (Tam Đường, Lai Châu) bức xúc trao đổi với phóng viên về việc chưa nhận được chứng chỉ nghề và hỗ trợ sau gần hai năm học. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Đơn vị đào tạo chưa hoàn thành khối lượng

Năm gói hợp đồng giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu ký đặt hàng với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu có giá trị hơn 4,1 tỷ đồng. Sau khi ký kết hợp đồng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tạm ứng cho Công ty 50% giá trị hợp đồng. Đến ngày 21/1/2020, Sở đã thanh toán cho Công ty 18/37 lớp đủ điều kiện với số tiền hơn 2,5 tỷ đồng (trong đó, thực chi hơn 1,7 tỷ đồng, tạm ứng chưa thu hồi 820 triệu đồng) với thời gian thực hiện hợp đồng đến hết 15/12/2019.

Để tìm hiểu rõ nguyên nhân sự việc trên, phóng viên TTXVN đã hẹn lịch làm việc lần 1 với ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội Lai Châu. Theo ông Công, trong 19 lớp chưa được quyết toán, có hai lớp Công ty đã chi trả tiền hỗ trợ và cấp chứng chỉ, hai lớp này do Công ty không thông báo để phòng chuyên môn của Sở đi xác minh khối lượng thực tế lớp học. Còn 17 lớp do Công ty chưa hoàn thành việc đào tạo và chưa đủ chứng từ nên Sở không tiếp nhận hồ sơ của Công ty và không có cơ sở để thanh toán với kho bạc. Do vậy, dẫn đến việc 19 lớp không đủ điều kiện để Sở thanh lý hợp đồng.

“Để giải quyết việc tồn đọng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019, đầu tháng 7/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có biên bản làm việc với Công ty về việc thống nhất thanh quyết toán cho 8/19 lớp đủ điều kiện quyết toán, nhưng Công ty không chấp thuận”, ông Trần Đỗ Công cho hay.

Theo quy định, các khoản tạm ứng trong dự toán đến hết 31/1 năm sau nếu chưa đủ thủ tục thanh toán phải nộp lại ngân sách, trừ các trường hợp được chuyển sang nguồn ngân sách năm sau. Do vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu đã đôn đốc Công ty hoàn trả lại số tiền tạm ứng 820 triệu đồng nhưng Công ty không thực hiện, nên Sở đã khấu trừ trực tiếp của Công ty số tiền hơn 71 triệu đồng thuộc một dự án khác. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội yêu cầu hết ngày 25/01/2021 Công ty phải hoàn trả tạm ứng cho Sở số tiền hơn 748 triệu đồng. Đến nay, Công ty chưa thực hiện hoàn trả số tiền tạm ứng trên.

Về nguyên nhân dẫn đến sự việc này, ông Công cho biết: “Do Công ty tạm ứng số tiền của Sở để đi làm việc khác, sau đó thất bại và có dấu hiệu phá sản nên không còn đủ năng lực tài chính để tiếp tục đào tạo các lớp còn lại, do đó không đảm bảo thực hiện theo tiến độ đề ra. Việc này do lỗi của Công ty.”.

Nhằm làm rõ nguyên nhân, phóng viên tiếp tục đặt lịch làm việc với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu để xin tiếp cận với các biên bản nghiệm thu đạt hay không đạt của 19 lớp còn lại chưa được nghiệm thu. Ông Nùng Văn Nim, Phó Giám đốc Sở cho hay: Tất cả hồ sơ Sở đã chuyển sang bên Tòa án và không cung cấp thông tin gì.

Sở Lao động không đi nghiệm thu

Trao đổi với phóng viên, bà Ngô Thanh Huyền, Giám đốc công ty c với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu cho biết: Đến cuối năm 2019, Công ty đã đào tạo xong toàn bộ 37 lớp rồi bàn giao đầy đủ mô hình và được học viên, chính quyền xã xác nhận. Nhưng Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu chỉ nghiệm thu 18 lớp, 19 lớp còn lại do Sở không tổ chức cho cán bộ chuyên môn đi nghiệm thu nên không có căn cứ cấp chứng chỉ, chi trả tiền hỗ trợ, không được quyết toán. Trong khi đó, kết thúc các lớp học Công ty đã mời Sở đi nghiệm thu, nhưng cán bộ chuyên môn không đi. Từ đó, dẫn đến sự tồn đọng và ảnh hưởng đến quyền lợi của hàng trăm học viên và Công ty.

Đặc biệt, khi Công ty hỏi lý do không được nghiệm thu, phòng chuyên môn của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng miệng là 19 lớp đó không đạt, không đảm bảo để đi nghiệm thu. Sau đó, Công ty đã yêu cầu Sở cung cấp cho Công ty các biên bản nghiệm thu và chỉ ra căn cứ chứng minh Công ty đào tạo 19 lớp không đạt yêu cầu, nhưng Sở không cung cấp. Đến ngày 10/08/2021, Công ty vẫn chưa nhận được bất kỳ văn bản nào của lớp học, chính quyền xã, huyện và của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chứng minh Công ty đào tạo không đạt. Nếu như Sở đưa ra những lý do không đạt để Công ty khắc phục, thì có lẽ vụ việc không tồn đọng đến giờ.

Nội dung khoản 2, Điều 2 của hợp đồng ký ngày 28/3/2019 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu ký với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu, nêu rõ: Sau khi ký kết hợp đồng bên A tạm ứng cho bên B bằng 50% giá trị hợp đồng. Số kinh phí còn lại bên A sẽ thanh toán theo khối lượng nghiệm thu thực tế và thanh lý hợp đồng cho bên B”. Tuy nhiên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu không thực hiện đúng như hợp đồng đã ký kết. Vì vậy, do Sở không nghiệm thu, không thanh lý hợp đồng nên số tiền còn lại của 5 hợp đồng bị Nhà nước thu hồi.

Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu đã làm văn bản yêu cầu Công ty phải hoàn trả lại 820 triệu đồng tạm ứng. Nhưng tiền tạm ứng này Công ty đã chi trả chi phí đào tạo để thực hiện 19 lớp chứ Công ty không giữ. Việc Sở thu giữ tiền bảo hành một dự án khác của Công ty là hơn 71 triệu đồng để trừ vào số tiền 820 tạm ứng là không có căn cứ pháp luật, sai nguyên tắc tài chính. Vì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội không chuyển vào tài khoản của Công ty để đại diện Công ty tự nguyện chuyển cho Sở.

“Đặc biệt, ngày 6/7/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có biên bản làm việc với Công ty về việc sẽ thanh quyết toán 8/19 lớp đào tạo nghề còn tồn đọng năm 2019. Choc rằng mục đích của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội làm như vậy là để có tiền hoàn trả ngân sách Nhà nước 748 triệu đồng. "Tôi không đồng ý ký biên bản và yêu cầu thực hiện đúng hợp đồng đã ký ban đầu”, bà Huyền cho biết thêm.

Bà Huyền cũng khẳng định: “Tôi triển khai đào tạo 37 lớp là việc thật. Tôi mong muốn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu sớm giải quyết nghiệm thu để đơn vị có căn cứ pháp lý cấp chứng chỉ, chi trả tiền hỗ trợ đầy đủ cho các học viên”.

Như vậy, do không thống nhất được phương án giải quyết tồn đọng các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn năm 2019 giữa Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu nên sự việc vẫn đang dai dẳng kéo dài và không biết khi nào mới giải quyết xong. Trong khi đó, người dân vẫn luôn mong chờ sớm có chứng chỉ và nhận tiền hỗ trợ. (Xem tiếp Bài cuối: Cần sớm cấp chứng chỉ, tiền hỗ trợ cho người dân học nghề)

Hoàng Thùy Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm