Sau gần 2 năm học nghề, hơn 500 người dân Lai Châu vẫn chưa được cấp chứng chỉ (Bài cuối)

Nhiều học viên lớp kỹ thuật gò hàn ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu chưa nhận được chứng chỉ nghề và hỗ trợ sau gần hai năm học. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN
Nhiều học viên lớp kỹ thuật gò hàn ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu chưa nhận được chứng chỉ nghề và hỗ trợ sau gần hai năm học. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Bài 3 (Bài cuối): Cần sớm giải quyết dứt điểm, bảo đảm quyền lợi của học viên

Để tháo gỡ vướng mắc tồn đọng gần hai năm nay, những học viên mong mỏi UBND tỉnh Lai Châu sẽ chỉ đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu ngồi lại đưa ra hướng giải quyết dứt điểm, sớm cấp chứng chỉ nghề, chế độ hỗ trợ cho 505 người dân đã tham gia học nghề từ năm 2019.

Sau gần 2 năm học nghề, hơn 500 người dân Lai Châu vẫn chưa được cấp chứng chỉ (Bài cuối) ảnh 1Nhiều học viên lớp kỹ thuật gò hàn ở xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu chưa nhận được chứng chỉ nghề và hỗ trợ sau gần hai năm học. Ảnh: Việt Hoàng - TTXVN

Đừng để ảnh hưởng tâm lý người dân học nghề

Công tác vận động bà con dân tộc ở vùng đặc biệt khó khăn như Lai Châu tham gia học nghề là việc làm không dễ, vì vậy từ vụ việc hơn 500 người tham gia học nghề mãi vẫn chưa được cấp chứng chỉ, chi trả tiền hỗ trợ sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới tâm lý người dân.

Khi chính quyền có chính sách mở các lớp đào tạo nghề, đồng bào dân tộc thiểu số kỳ vọng sau khi học xong sẽ giúp họ có thêm kiến thức, biết áp dụng kỹ năng để phát triển kinh tế gia đình. Đồng thời, có nhiều thanh niên hy vọng có chứng chỉ nghề, tạo cơ hội thuận lợi tìm kiếm việc làm ở các doanh nghiệp, công ty tại thành phố Lai Châu và các tỉnh. Tuy nhiên, 505 học viên chờ đợi mãi không được cấp chứng chỉ và tiền ăn nên cho rằng bị “lừa” đi học, bởi đã có nhiều thanh niên bỏ lỡ những công việc mang lại thu nhập cao do chưa có chứng chỉ nghề, mặc dù tay nghề của họ tốt.

Đơn cử như anh Hảng A Phùa, 27 tuổi, dân tộc Mông ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu đã tham gia lớp kỹ thuật gò hàn nông thôn do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức năm 2019 tại xã Sùng Phài. Do chưa được cấp chứng chỉ nghề nên khi đi xin việc, anh Phùa không được công ty, doanh nghiệp nào nhận vào làm việc. Cụ thể tháng 3/2021, anh Phùa về tỉnh Nam Định xin việc tại một công ty với mức lương 300 nghìn đồng/ngày, nhưng làm được vài ngày bị công ty cho nghỉ việc vì lý do chưa có chứng chỉ nghề. Anh Phùa đành về địa phương phụ giúp gia đình làm ruộng nương.

Theo anh Hảng A Phùa, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu là cơ quan được UBND tỉnh giao đơn vị chủ trì thực hiện, ký hợp đồng với đơn vị đào tạo thì phải có trách nhiệm chính trong việc chưa cấp chứng chỉ và tiền hỗ trợ cho học viên đã tham gia học xong lớp học nghề. Vấn đề Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu đúng hay sai như thế nào là việc của Sở Lao động xử lý, còn chế độ của học viên phải thực hiện đúng quy định.

Hầu hết người dân cho rằng, họ đã mất công sức để đi học 60 ngày, nhưng học xong gần hai năm nhưng không được nhận chứng chỉ nghề và tiền hỗ trợ, nên không ít người dân mất lòng tin vào công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn của chính quyền đang triển khai.

Đại diện các thành viên của lớp sửa chữa máy nông nghiệp ở bản Sàn Phàng Thấp, xã Khun Há, huyện Tam Đường, anh Cứ A Chư bức xúc nói: “Bà con nhiều lần ý kiến qua cuộc tiếp xúc cử tri tại bản nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết. Bà con nói rằng sau này nếu chính quyền mở các lớp học nghề thì bà con sẽ không đi học nữa, bởi vì mất sự tin tưởng. Tháng 7 vừa qua, UBND xã Khun Há thông báo tổ chức lớp học nghề tại bản nhưng bà con không ai đi học nữa, bởi sợ lại giống như lớp trước, đi học không được cấp chứng chỉ”.

Tìm hướng giải quyết


Ông Trần Đỗ Công, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu thừa nhận, việc nhiều học viên sau gần hai năm học nhưng chưa được cấp chứng chỉ, tiền hỗ trợ sẽ bị ảnh hưởng, cũng là hệ lụy. Sở cũng có trách nhiệm về vấn đề này trong góc độ sát sao kiểm tra, giám sát từ khi ký kết hợp đồng cho đến thực hiện hợp đồng. Vì vậy, Sở đang tìm hướng giải quyết tồn đọng của các học viên chưa được cấp chứng chỉ nghề, tiền hỗ trợ trong năm 2019.

Tháng 2/2021, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã mời Ban Kinh tế ngân sách HĐND tỉnh, Sở Tài chính, Văn phòng UBND tỉnh Lai Châu cùng Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu để thống nhất cách tháo gỡ là rà soát 19 bộ hồ sơ của 19 lớp học còn lại và phối hợp với Công ty xác minh khối lượng thực tế lớp học. Kết quả rà soát đến tháng 7/2021, có 8/19 lớp đủ điều kiện thanh quyết toán. Theo đó, Sở sẽ lấy số tiền này trừ vào số tiền mà Công ty tạm ứng, số còn dư sẽ trả cho đơn vị đào tạo. Tuy nhiên, đại diện pháp nhân của Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu không chấp nhận và không đồng ý với nội dung Sở đưa ra, yêu cầu phải thực hiện đúng hợp đồng.

Vì vậy, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục có công văn đề nghị Sở Tài chính xem xét, trình cấp có thẩm quyền phân bổ kinh phí để thanh, quyết toán cho Công ty. Tuy nhiên, Sở Tài chính có văn bản trả lời do Sở Lao động đã tạm ứng tại Kho bạc hơn 748 triệu đồng nhưng chưa hoàn trả tạm ứng theo quy định, nên việc kiến nghị bổ sung kinh phí theo đề nghị là không đúng quy định.

Bà Ngô Thanh Huyền, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu cho rằng: Để giải quyết dứt điểm vụ việc, Công ty đề nghị UBND tỉnh Lai Châu sớm vào cuộc và tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như đảm bảo quyền lợi của học viên. Cụ thể, UBND tỉnh xem xét tiếp tục bổ sung kinh phí để Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thanh quyết toán các lớp còn lại cho Công ty, nhằm nhanh chóng giải quyết chế độ và cấp chứng chỉ nghề cho học viên theo hợp đồng đã ký kết, để học viên xin việc làm thuận lợi.

Rút kinh nghiệm năm 2019, từ năm 2020 đến nay, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được UBND tỉnh Lai Châu thực hiện sát sao và hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Năm 2020, Lai Châu đã đào tạo nghề cho 6.360 lao động, giải quyết việc làm cho 7.380 lao động; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50,7%, tăng 2,2% so với năm 2019.

Như vậy, vụ việc 505 người dân sau gần hai năm học nghề nhưng chưa được nhận chứng chỉ và tiền hỗ trợ sẽ ảnh hưởng đến lòng tin của người dân đối với công tác đào tạo nghề. Qua sự việc này, UBND tỉnh Lai Châu cần quyết liệt, giám sát chặt việc thực hiện để nâng cao hiệu quả hơn nữa công tác đào nghề cho lao động nông thôn trên địa bàn trong giai đoạn mới. Đồng thời, sớm chỉ đạo các đơn vị có liên quan nhanh chóng giải quyết sự việc, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân. (Hết)

Hoàng Thùy Oanh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm