Thực hiện Đề án "Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020" của Thủ tướng Chính phủ, năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu đã ký hợp đồng đặt hàng với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu (trụ sở tại thành phố Lai Châu) đào tạo 1.105 lao động nông thôn. Thế nhưng, sau gần hai năm học nghề, một nửa số học viên trên vẫn chưa được nhận chứng chỉ nghề và chế độ hỗ trợ theo quy định. Phóng viên TTXVN thực hiện loạt 3 bài với chủ đề: "Sau gần 2 năm học nghề, hơn 500 người dân Lai Châu vẫn chưa được cấp chứng chỉ" để phản ánh về sự việc này.
Bài 1: Mất cơ hội xin việc làm vì chưa được cấp chứng chỉ nghề
Người dân nghèo là đồng bào dân tộc thiểu số mong muốn đi học nghề có chứng chỉ, tiền hỗ trợ để thuận lợi tìm kiếm công việc mới ổn định, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống. Thế nhưng, ở Lai Châu có 17 lớp học nghề với 505 học viên là người dân tộc thiểu số thuộc các huyện Tam Đường, Phong Thổ, Sìn Hồ, thành phố Lai Châu, kết thúc từ cuối năm 2019 đến nay vẫn chưa được cấp chứng chỉ học nghề và nhận tiền hỗ trợ. Bà con dân bản bỏ công sức, tiền của đi học nghề nhưng chưa có chứng chỉ đi xin việc, nên đời sống gặp nhiều khó khăn.
Học nghề nhưng chưa được làm nghề
Mục tiêu Kế hoạch đào tạo lao động nông thôn năm 2019 của tỉnh Lai Châu là nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và thị trường lao động, gắn với giải quyết việc làm tại chỗ, chuyển dịch cơ cấu lao động. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả lao động, sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo bền vững.
Trong năm 2019, tỉnh Lai Châu có kế hoạch đào tạo nghề cho 6.000 lao động nông thôn, với mục tiêu trên 80% số người học có việc làm mới hoặc nghề cũ nâng cao năng suất, thu nhập. UBND tỉnh đã giao Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên 7 huyện trên địa bàn đào tạo cho 4.080 lao động. Số lao động còn lại giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội trực tiếp ký hợp đồng đặt hàng với các cơ sở đào tạo.
Triển khai nhiệm vụ trên, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu đã ký 5 hợp đồng đặt hàng với Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu, đào tạo 37 lớp với 1.105 lao động nông thôn. Các chuyên ngành đào tạo gồm: Kỹ thuật xây dựng, kỹ thuật gò hàn, kỹ thuật chế biến chè, sửa chữa máy nông nghiệp, kỹ thuật trồng nấm… Lớp học có thời gian đào tạo 60 ngày, mỗi học viên được hỗ trợ tiền ăn, đi lại cả khóa là 1,8 triệu đồng.
Tuy nhiên, hết năm 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lai Châu mới chỉ nghiệm thu, quyết toán cho 18 lớp để cấp chứng chỉ học nghề và chi trả tiền chế độ hỗ trợ cho học viên. Công ty TNHH Một thành viên Đầu tư xây dựng và Xúc tiến thương mại Lai Châu tiếp tục cấp chứng chỉ, chi trả tiền hỗ trợ cho 60 học viên của 2 lớp, nhưng chưa được nghiệm thu, thanh quyết toán. Còn lại 17 lớp học với 505 học viên không được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nghiệm thu, nên từ đó đến nay, học viên vẫn chưa được cấp chứng chỉ nghề và tiền hỗ trợ.
Tham gia các khóa đào tạo nghề, người dân mong muốn đây là cơ hội tìm kiếm việc làm mới với mức thu nhập ổn định, để dần vươn lên thoát nghèo. Thế nhưng, từng ngày trôi qua, hơn 500 học viên vẫn chưa được cấp chứng chỉ học nghề nên không thể tìm việc làm phù hợp với nghề đã học.
Anh Cứ A Chư, dân tộc Mông là một trong những học viên lớp sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Khun Há, huyện Tam Đường chia sẻ: Năm 2019, lớp học nghề sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Khun Há được triển khai với 30 học viên, học trong 60 ngày. Khi tham gia lớp học này, bà con dân bản cảm thấy rất vui và có hứng thú vì được học nghề sẽ mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế. Kết thúc lớp học, các học viên ai cũng phấn khởi, hy vọng nhận được số tiền hỗ trợ 1,8 triệu đồng và chứng chỉ học nghề theo như cơ sở đào tạo nói lúc khai giảng. Nhưng chờ mãi đến nay các học viên trong lớp vẫn chưa nhận được, ai cũng buồn và cảm thấy mất thời gian, công sức khi đi học.
Tại bản Làng Giảng, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu, chúng tôi được gặp mặt gần 10 học viên lớp kỹ thuật gò hàn nông thôn. Các học viên này cũng đã học xong trong năm 2019 nhưng vẫn chưa được cấp chứng chỉ nghề và tiền hỗ trợ. Anh Hảng A Sang, một trong những học viên, người dân tộc Mông ở bản Làng Giảng bộc bạch: "Lớp chúng tôi học cách đây gần hai năm, lớp có 30 học viên, học đủ 60 ngày theo quy định. Không hiểu lý do gì mà đến nay chúng tôi vẫn chưa nhận được chứng chỉ học nghề và tiền hỗ trợ đi học".
Mỏi mắt chờ cấp chứng chỉ
Từng ngày trôi qua, 505 học viên tham gia học nghề ở Lai Châu cứ chờ đợi, hy vọng sớm nhận được chứng chỉ nghề và tiền hỗ trợ để có thể tìm được một công việc mới đem lại thu nhập ổn định hơn. Bởi hầu hết các học viên là người dân tộc thiểu số, cuộc sống gia đình rất khó khăn, họ phải chật vật tìm kế sinh nhai.
Anh Hảng A Chùa, dân tộc Mông, bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu cho hay: Sau khi học xong lớp gò hàn chờ mãi mà không có chứng chỉ học nghề. Khi đi xin việc ở thành phố Lai Châu, chỗ nào cũng đòi hỏi phải có chứng chỉ nghề mới nhận làm. Không tìm được việc anh đành trở về nhà phụ giúp gia đình và không có thu nhập. Anh mong sớm có chứng chỉ nghề để thực hiện dự định trong tương lai.
"Chúng tôi tham gia học lớp gò hàn mở tại xã từ năm 2019, đến nay không hiểu vì sao vẫn chưa được cấp chứng chỉ và 1,8 triệu đồng tiền hỗ trợ ăn, đi lại. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội hay đơn vị đào tạo chịu trách nhiệm chi trả chế độ chính sách của người dân khi tham gia học nghề? UBND tỉnh Lai Châu cần vào cuộc làm rõ vấn đề này để sớm trả lại quyền lợi chính đáng cho chúng tôi", anh Sùng A Di, dân tộc Mông ở bản Cư Nhà La, xã Sùng Phài, thành phố Lai Châu bức xúc nói.
Theo anh Sùng A Di, đối với nghề hàn, khi đi xin việc ở đâu cũng đòi hỏi phải có chứng chỉ nghề để chứng minh bản thân đã qua đào tạo. Học nghề xong không tìm được việc làm nên anh rất buồn, anh mong muốn chính quyền sớm xem xét giải quyết cấp chứng chỉ nghề để tìm được việc làm, tăng thu nhập cho gia đình, cải thiện cuộc sống.
Anh Lò Văn Thém, dân tộc Thái ở bản Nà Khương, xã Bản Bo, huyện Tam Đường, một trong những học viên của lớp kỹ thuật trồng, chăm sóc cây chè năm 2019 cho biết: Bản anh có 30 học viên tham gia lớp học này, kết thúc lớp học từ lâu mà học viên chưa nhận được chứng chỉ nghề và tiền hỗ trợ. Trong khi đó, có nhiều lớp học khác họ đã được cấp từ lâu. Thay mặt lớp, anh mong muốn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Lai Châu sớm nghiệm thu để cấp chứng chỉ, hỗ trợ cho các học viên theo đúng quy định.
UBND tỉnh Lai Châu dự kiến tổ chức "Tuần lễ hỗ trợ, kết nối việc làm cho lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19" từ ngày 27 - 29/8 với hơn 4.600 vị trí tuyển dụng. Trong đó, có rất nhiều công việc như: Hàn xì, trồng và chăm sóc chè, xây dựng, cơ khí… của nhiều doanh nghiệp tuyển dụng. Nếu như 505 học viên trên được cấp chứng chỉ thì cơ hội làm việc của họ giờ đã rộng mở khi tham gia ứng tuyển vào vị trí phù hợp. Nhưng hiện giờ cánh cửa đó đã đóng lại vì chưa có chứng chỉ nghề. (Xem tiếp Bài 2: Đi tìm nguyên nhân)
Hoàng Thùy Oanh