Kiểm tra chất lượng giống chè cho chương trình trồng mới chè chất lượng cao tại huyện Đại Từ. Ảnh: Hoàng Nguyên - TTXVN |
Với chủ đề "Lan toả hương Trà Việt", Festival Trà Thái Nguyên- Việt Nam lần thứ 4 bao gồm các hoạt động như: Lễ khai mạc và bế mạc; lễ hội Văn hóa trà với các hoạt động đêm hội thưởng trà, con đường Trà kết nối quảng bá du lịch và phát triển kinh tế đêm, Carnival đường phố; cuộc thi “Người đẹp xứ Trà”; hội thảo về nâng cao giá trị, thương hiệu và kết nối cung cầu Trà Thái Nguyên. Ngoài ra, Ban Tổ chức cũng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Festival Trà như: Phát động sáng tác ca khúc về tỉnh Thái Nguyên; triển lãm sinh vật cảnh; hoạt động trải nghiệm và tham quan các cùng chè;... Ông Dương Văn Lượng, Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên cho biết, Festival Trà Thái Nguyên - Việt Nam lần thứ 4 nhằm đẩy mạnh và phát huy thế mạnh ngành chè Việt Nam nói chung, chè Thái Nguyên nói riêng; tôn vinh các làng nghề, người sản xuất, chế biến chè, quảng bá các sản phẩm trà đến với thị trường trong và ngoài nước. Đặc biệt, Festival Trà là nơi giao lưu, học hỏi kinh nghiệm của người sản xuất kinh doanh chè, kết nối giữa người sản xuất và các đối tác kinh doanh chè trong và ngoài nước, từ đó từng bước mở rộng hợp tác, giao lưu, chắp cánh đưa thương hiệu chè Thái Nguyên vươn ra thị trường quốc tế sâu rộng hơn nữa. Hiện nay, tỉnh Thái Nguyên có trên 22.000 ha chè, sản lượng chè búp tươi bình quân đạt khoảng 220 nghìn tấn/năm. Theo đánh giá, toàn tỉnh có trên 80% diện tích chè tại các vùng sản xuất chè tập trung sản xuất theo hướng an toàn, áp dụng quy trình VietGAP, hữu cơ, giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, xu hướng tăng sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học và các chế phẩm sinh học. Chè Thái Nguyên được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới như Đài Loan (Trung Quốc), Trung Quốc, Hàn Quốc, Pakistan, và các thị trường khó tính như châu Âu, Bắc Mỹ,... Tại Đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phầm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu chất lượng an toàn sản phẩm cho tất cả diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng hữu cơ và an toàn; có 30% diện tích sản xuất chè an toàn được chứng nhận VietGAP. Cùng đó, xây dựng mỗi huyện, thành, thị có ít nhất 1 vùng sản xuất chè ứng dụng công nghệ cao; sản xuất chè hữu cơ. Năm 2020, tỉnh phấn đấu có 30% sản lượng chè của tỉnh được mang các nhãn hiệu bảo hộ trong nước và tham gia trực tiếp vào chuỗi giá trị toàn cầu; 80% sản lượng chè xanh, chè xanh chất lượng cao tiêu thụ thị trường thế mạnh trong nước; 20% sản lượng chè xuất khẩu sang các thị trường khó tính của quốc tế.
Quân Trang