Sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19

 7.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca được sử dụng để tiêm trong đợt 2. Ảnh: Nam Sương - TTXVN
7.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca được sử dụng để tiêm trong đợt 2. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Thông tin từ Bộ Y tế cho biết, từ 18 giờ ngày 16/6 đến 18 giờ ngày 17/6, Việt Nam ghi nhận thêm 515 ca mới mắc COVID-19 gồm 12 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh: Hà Nội (4), Tây Ninh (3), Quảng Nam (2), Khánh Hòa (1), Kiên Giang (1), Hòa Bình (1). Trong nước ghi nhận 503 ca mắc mới, nhiều nhất vẫn là tại Bắc Giang (327), Thành phố Hồ Chí Minh (137), Tiền Giang (13), Bắc Ninh (12), Bình Dương (7), Hà Tĩnh (4), Lạng Sơn (2), Nghệ An (1). Trong số các ca ghi nhận trong nước có 495 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa.

Sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ảnh 1Tiêm vaccine phòng COVID-19 đợt 3 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Trà Vinh. Ảnh: Thanh Hòa -TTXVN

Đến 18 giờ ngày 17/6, Việt Nam có tổng cộng 10.483 ca ghi nhận trong nước và 1.667 ca nhập cảnh. Số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay là 8.913 ca, trong đó có 1.879 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Cả nước có 24 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, gồm Yên Bái, Quảng Ngãi, Đồng Nai, Quảng Ninh, Quảng Nam, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Nam Định, Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, Ninh Bình, Thanh Hóa, Thái Nguyên, Hưng Yên, Hải Phòng, Tây Ninh, Gia Lai, Bạc Liêu, Điện Biên, Đắk Lắk, Đồng Tháp, Trà Vinh, Đà Nẵng.

Có cơ hội kiểm soát các chuỗi lây nhiễm ở Thành phố Hồ Chí Minh

Chiều tối 17/6, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 chủ trì cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Bắc Giang về các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị lớn, đã có kinh nghiệm thực tiễn phòng, chống dịch trước đó. Vì vậy, các quyết định giãn cách xã hội, cách ly, phong tỏa phải thực hiện trên tinh thần “cố gắng gọn nhất có thể”. Thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu không để tiếp tục kéo dài tình trạng giãn cách xã hội trên diện rộng. Đối với các khu công nghiệp, Phó Thủ tướng yêu cầu Thành phố Hồ Chí Minh phải “giữ bằng được bằng những biện pháp mạnh tay”; tăng cường xét nghiệm cảnh báo để nhanh chóng phát hiện ca mắc COVID-19 trong 3 ngày đầu tiên.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định, trải qua 15 ngày đầu tiên, tình hình dịch bệnh tại thành phố đến nay vẫn “rất phức tạp”; vẫn còn một số chuỗi được phát hiện ngoài cộng đồng. Tuy nhiên, về mặt dịch tễ, chúng ta có cơ hội kiểm soát được các chuỗi lây nhiễm.

Sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ảnh 2Mỗi ngày CDC Tuyên Quang có thể triển khai xét nghiệm sàng lọc RT-PCR khoảng 400 mẫu. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Từ ngày 18/6, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ thí điểm tự lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện cách ly F1 tại nhà; đồng thời tổ chức rà soát để bảo đảm an toàn trong khu cách ly tập trung, chống lây nhiễm chéo; tăng cường tiến hành rà soát ngoài cộng đồng và các khu công nghiệp.

Sáng 17/6, hơn 800.000 liều vaccine AstraZeneca do Chính phủ Nhật Bản tài trợ cho Việt Nam đã được chuyển đến Thành phố Hồ Chí Minh, chuẩn bị sẵn sàng cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất tại đây. Dự kiến, chiến dịch sẽ bắt đầu vào ngày 19/6 và diễn ra trong khoảng 5-7 ngày cho các đối tượng ưu tiên thuộc Nghị quyết 21 của Chính phủ. Khoảng 1.000 điểm tiêm chủng trên địa bàn thành phố được triển khai để tiêm vaccine phòng COVID-19.

Với Bắc Giang, Phó Thủ trướng yêu cầu tiếp tục giãn mật độ trong các khu cách ly tập trung để chấm dứt sớm nhất tình trạng lây nhiễm chéo tại đây. Đến ngày 21/6, Bắc Giang phải kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh trên địa bàn

Sắp diễn ra chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử

Ngày 17/6, tại cuộc trao đổi trực tuyến với Tiến sĩ Takeshi Kasa, Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị WHO thúc đẩy chuyển giao sớm vaccine trong chương trình COVAX cho Việt Nam, tăng cường hợp tác chuyển giao công nghệ để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm sản xuất vaccine khu vực, qua đó đóng góp vào nỗ lực chung nhằm hỗ trợ các nước trong khu vực tiếp cận vaccine kịp thời.

Sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ảnh 3Lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm Covid-19. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Giám đốc WHO khu vực Tây Thái Bình Dương khẳng định Việt Nam đã và đang là tấm gương điển hình về ứng phó với dịch COVID-19 trong khu vực; đồng thời đánh giá cao cách tiếp cận đúng đắn và hiệu quả của Việt Nam đối với vaccine...

Ngày 17/6, Bộ Y tế đã có quyết định số 2971/QĐ-BYT về việc phân bổ đợt 5 vaccine phòng COVID-19 của AstraZeneca. Ngoài Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hồ Chí Minh, còn có 37 đơn vị khác được phân bổ vaccine đợt này

Trao đổi với báo chí về chiến dịch tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 tới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, chiến dịch lần này có quy mô lớn nhất trong lịch sử tiêm chủng ở nước ta với nhiều điểm mới, được triển khai tại tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường. Bộ Y tế luôn đặt vấn đề an toàn tiêm chủng lên hàng đầu để đảm bảo an toàn cho người dân.

Sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ảnh 4Lực lượng y tế tiêm vaccine đối tượng ưu tiên tại CDC Cần Thơ. Ảnh: Ánh Tuyết - TTXVN

Bộ Y tế đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực, sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Việt Nam đặt mục tiêu trong năm 2021 và đầu năm 2022 đạt miễn dịch cộng đồng.

Muốn có miễn dịch cộng đồng, việc quan trọng là phải tiêm cho ít nhất khoảng 70% dân số. Đây là điều để có thể đạt được miễn dịch cộng đồng và đưa cuộc sống trở lại bình thường. Chính vì thế, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị cũng như Chính phủ vấn đề mua vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc để đảm bảo người dân tiếp cận được vaccine.

Sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 ảnh 5

 7.000 liều vaccine của hãng AstraZeneca được sử dụng để tiêm trong đợt 2. Ảnh: Nam Sương - TTXVN

Vào lúc 22 giờ tối 16/6, tại sân bay Quốc tế Nội Bài đã diễn ra lễ tiếp nhận lô vaccine phòng COVID-19 gần 1 triệu liều của Chính phủ Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam phòng, chống dịch COVID-19. Vaccine này có tên là VAEVRIA Intramuscular Injection (tên khác là COVID-19 Vaccine AstraZeneca Injection), dung dịch tiêm bắp, 1 lọ chứa 10 liều, mỗi liều 0,5ml. Việt Nam là nước đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á được Nhật Bản viện trợ vaccine phòng COVID-19.

PV

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm