Người làm rượu cần là bà H’Ben, 53 tuổi, dân tộc Ê-đê. Theo như lời bà H’Ben kể thì sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm rượu cần, dệt thổ cẩm, ngay từ nhỏ, bà đã được quan sát, tiếp cận, học hỏi để nắm được “bí quyết gia truyền”. Lớn lên, lập gia đình, việc làm trang phục cho các thành viên và làm rượu cần đãi khách, phục vụ các bữa tiệc quan trọng của gia đình đều do một tay H’Ben đảm nhận.
Cũng từ những buổi tiệc rượu trong các ngày vui của gia đình, được uống rượu cần của H’Ben làm, bà con hàng xóm đều khen rượu ngon khiến cho H’Ben rất vui. Từ đó, mỗi khi có việc quan trọng, đãi khách hay tiệc tùng gì, người dân trong bon lại đến đặt hàng cho H’Ben làm rượu cần.
Cũng từ những buổi tiệc rượu trong các ngày vui của gia đình, được uống rượu cần của H’Ben làm, bà con hàng xóm đều khen rượu ngon khiến cho H’Ben rất vui. Từ đó, mỗi khi có việc quan trọng, đãi khách hay tiệc tùng gì, người dân trong bon lại đến đặt hàng cho H’Ben làm rượu cần.
Bà H’Ben kiểm tra các ché rượu cần đang ủ |
Không dừng lại ở đó, thấy lượng người đến đặt hàng ngày càng đông, nhất là vào các dịp lễ tết, bà H’Ben tính toán đến việc mở cơ sở, sản xuất với số lượng nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu thị trường. Trong nhà, bà H’Ben dành một phòng để tổ chức sản xuất rượu cần, những ché rượu cần đã ủ men được để riêng một góc.
Bà H’Ben cho biết: Trong nhà lúc nào cũng có khoảng 10 ché rượu được ủ sẵn để khi người dân cần là có ngay để bán. Khi các bon làng trong vùng, hay địa phương có tổ chức các lễ hội truyền thống, sự kiện văn hóa đều đến đặt làm rượu cần. Việc làm rượu cần đã mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Theo bà H’Ben thì nguyên liệu làm rượu cần thường là nếp than hoặc nếp trắng, nấu thành xôi, để nguội rồi trộn men vào ủ kín. Men rượu chủ yếu là từ thiên nhiên, có thể làm từ vỏ cây rừng, củ riềng, rễ cam thảo, củ cây chít, phơi khô, sau đó đem giã nhuyễn thành bột trộn với gạo, ủ cho đến khi lên mốc trắng là được. Khi nguyên liệu đã lên men, trộn thêm trấu cho vào ché theo nguyên tắc cứ một lớp nguyên liệu lại một lớp trấu, sau cùng bịt miệng ché bằng lá chuối khô.
Rượu ủ 15 ngày là có thể dùng được, nhưng ủ càng lâu rượu càng có độ nồng cao và càng thêm đậm đà. Rượu ngon là loại rượu có màu vàng đục như mật, khi rót ra dòng chảy không bị đứt đoạn, có mùi thơm, cay nồng xen lẫn với vị ngọt rất đặc trưng.
Trong quan niệm của người Ê-đê thì rượu cần đem lại niềm vui, sự tốt lành, nên thường được cả gia đình, bà con hàng xóm cùng uống.
Hiện bà H’Ben cũng đang làm thủ tục đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và thương hiệu “Rượu cần Amí H’Ben”. Như bà tâm sự thì việc lấy tên mình để làm thương hiệu là một cam kết đảm bảo chất lượng rượu khi bán ra thị trường. Cùng với việc kinh doanh, kiếm thêm thu nhập thì việc làm rượu cần cũng là cách để bà góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, không để bị mai một theo thời gian.
Báo Đắk Nông