Xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long là vùng đất giàu truyền thống cách mạng. Nơi đây từng ghi dấu nhiều chiến công, sự kiện lịch sử trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1994, xã Hòa Bình vinh dự đón nhận danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Vươn lên từ gian khó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình chung sức nỗ lực xây dựng địa phương ngày càng phát triển. Vùng đất anh hùng được gọi với cái tên mộc mạc Bưng Sẩm một thời khó khăn đã chuyển mình, cuộc sống người dân từng ngày đổi mới.
* Một thời Bưng Sẩm “tối màu mây”
Xã Hòa Bình từng là miệt bưng biền đầm lầy, là nơi ghi dấu những trận đánh lớn của quân và dân tỉnh Vĩnh Long. Về xã Hòa Bình, nghe câu chuyện về vùng đất Bưng Sẩm như về với “Cái nôi kháng chiến giữa bưng biền”. Theo người dân địa phương, trước đây, Bưng Sẩm là một con sông tự nhiên, qua thời gian phù sa bồi đắp trở thành vùng đất trũng sình lầy, độ lún rất lớn, cỏ dại mọc um tùm. Với địa thế hiểm trở, trong 2 cuộc kháng chiến, vùng đất này đã được liên Tỉnh ủy Vĩnh Long – Trà Vinh chọn làm căn cứ hoạt động cách mạng. Nơi đây được ví như “Đồng Tháp Mười thứ hai”, là nơi nuôi chứa, bảo vệ cách mạng rất an toàn.
Ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao (85 tuổi) - nguyên là cán bộ an ninh của vùng Bưng Sẩm, nguyên Bí thư xã Hòa Bình giai đoạn 1978-1983 đã gắn bó và hiểu tường tận về vùng đất này. Trong ký ức của ông, Bưng Sẩm là thành trì an toàn ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử quan trọng của quân dân và các cán bộ Xứ ủy Nam Kỳ. Người dân nơi đây dù cuộc sống còn nhiều gian khó nhưng hết lòng tin tưởng, che chở và nuôi chứa cách mạng.
Ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao kể: “Vùng bưng Sẩm ngày xưa hoang hóa, dân số ít lắm. Khu vực này có nhiều cống đập, lại trũng nên ngập nước sâu, việc đi lại rất khó khăn. Người dân muốn đi lại phải có ghe, xuồng, chờ nước lớn mới đi được chứ không thể đi bộ. Gọi là Bưng Sẩm vì đây là vùng đất bị cây che phủ, không có nhiều ánh sáng, chiều sẩm trời là tối thui, nghe kêu ve ve thì không ai dám ở trong đó hết. Ở đây bà con mình kêu là ngọn dứa, ngọn cùng, đụng tới bưng là lính không vô được nên cán bộ, chiến sỹ mình cứ về đây, có bà con nuôi chứa là yên tâm”.
Cùng với nuôi chứa cách mạng, người dân xã Hòa Bình đã tham gia nhiều trận đánh, làm nên lịch sử anh hùng. Tại đây, dựa vào địa bàn hiểm trở nhưng quen thuộc với quân và dân địa phương, dưới sự chỉ đạo của Quân khu, Tiểu đoàn 306 - chủ lực của Quân khu - phối hợp địa phương quân huyện Trà Ôn, du kích 2 xã Xuân Hiệp và Hòa Bình chủ động lên phương án tấn công vào đêm 25/3/1967. Với tinh thần ngoan cường quyết chiến, từ ngày 25/3 – 26/3/1967, quân và dân ta đánh bại 6 đợt đổ quân và đẩy lùi 8 đợt tấn công của địch, giữ vững trận địa, đánh chìm 8 tàu sắt, bắn bị thương 1 máy bay khu trục, bắn rớt 9 trực thăng và bị thương 3 chiếc khác, diệt 850 tên địch, thu trên 100 súng. Chiến thắng Mương Khai - Hiệp Hòa là trận đánh tiêu biểu của sự phối hợp quân chủ lực và địa phương quân, cùng dân quân, du kích. Công trình tượng đài chiến thắng Mương Khai - Hiệp Hòa đã được xây dựng và công nhận là di tích văn hóa lịch sử của tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây là địa chỉ đỏ giáo dục lịch sử cho thế hệ mai sau tự hào về vùng đất này, từ đó ra sức học tập để xây dựng và phát triển quê hương giàu đẹp.
* Đổi thay vùng đất bưng biền
Bắt tay xây dựng quê hương sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng 30/4/1975, thống nhất đất nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã Hòa Bình nói chung và người dân Bưng Sẩm nói riêng đã bắt tay vào công cuộc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội trong muôn vàng khó khăn.
Bưng Sẩm - Hòa Bình hôm nay đã "thay da đổi thịt". Vùng đất hoang hóa ngày nào nay đã được phủ lên một màu xanh với những cánh đồng trù phú. Kinh tế người dân ngày càng phát triển. Từ một vùng đất mỗi năm sản xuất 1 vụ lúa với năng suất thấp, nay đã phát triển lên sản xuất 3 vụ lúa với năng suất cao, rồi mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, không còn độc canh cây lúa với nhiều mô hình nông nghiệp hiệu quả cao như trồng cam, trồng khóm, trồng dưa hấu.
Là Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình trong giai đoạn 1978-1983, ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao chứng kiến những khó khăn của ngày đầu mới độc lập. Với sự chung tay, nỗ lực không ngừng, vùng Bưng Sẩm từng ngày vượt qua khó khăn, chuyển mình để vươn lên. Ông Nguyễn Văn Mười Hai Cao phấn khởi nói: "Lúc mới giải phóng cuộc sống rất khó khăn. Đến khoảng năm 1978, vùng này được chính quyền các cấp quan tâm đưa lực lượng xuống đắp đập bao khô. Tôi cũng cùng nhân dân tham gia đắp đập, người dân nhiệt tình góp công góp sức nên hễ hô là cả trăm người cùng tập trung làm. Ban đầu người dân sản xuất lúa được 1 vụ, 1.000 m2 lúa thu hoạt được 4-5 giạ, dần dần thủy lợi, đê điều thuận lợi, người dân sản xuất lúa 3 vụ với năng suất cao khoảng 40 giạ/1.000m2, bây giờ thì trồng cam, trồng khóm. Bưng Sẩm giờ không còn là bưng nữa, giờ là ruộng là vườn, rất màu mỡ. Nhân dân rất phấn khởi.”
Diện mạo nông thôn không ngừng thay đổi, đời sống vật chất, tinh thần của người dân xã Hòa Bình được nâng lên rõ rệt. Mấy năm gần đây, người dân đầu tư phát triển thương mại – dịch vụ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp. Nhờ vậy, thu nhập bình quân đầu người của xã từng bước được nâng lên.
Chị Nguyễn Thị Hồng Phương, xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn cho biết, đã phát triển tổ may gia công từ hơn 10 năm qua, tạo việc làm cho hơn 15 phụ nữ địa phương. Nhờ có công việc này, nhiều phụ nữ thuận tiện trong việc chăm sóc gia đình, đồng thời có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống với mức thu nhập khoảng 2,5-5 triệu đồng/tháng.
Năm 2015, xã Hòa Bình được công nhận là xã nông thôn mới. Từ một vùng quê gặp nhiều khó khăn, nhờ sự quyết tâm chính trị của Đảng bộ, chính quyền và sự đoàn kết của người dân, Bưng Sẩm – Hòa Bình đã có nhiều công trình mới về giao thông, nước sạch, văn hóa, y tế, trường học và nhà ở, góp phần làm thay đổi diện mạo quê hương. Nếu như trước đây phương tiện giao thông ở Bưng Sẩm chủ yếu bằng ghe, xuồng thì sau nhiều năm tập trung đầu tư, đến nay hầu hết những tuyến đường trên địa bàn xã đều được nhựa hóa phục vụ tốt nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa. Khó khăn về trường học cũng được tập trung tháp gỡ, hiện nay xã Hòa Bình có 6 điểm trường từ Mầm non đến Trung học Phổ thông, việc đi lại học hành của học sinh thuận tiện hơn.
Bí thư Đảng ủy xã Hòa Bình, huyện Trà Ôn Ngô Văn Toàn cho biết, Đảng bộ, Chính quyền địa phương luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho người dân. Đi lên từ một vùng đầm lấy, đến nay hệ thống điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khang trang, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân hưởng thụ, giao thương hàng hóa. Về đời sống người dân, địa phương quan tâm chăm lo cho gia đình chính sách, từng bước xóa hộ nghèo. Song song đó, địa phương đã tập trung phát triển các mô hình nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, mô hình phát triển tiểu thủ công nghiệp, tăng cường liên kết với các cơ sở, doanh nghiệp để tạo công ăn việc làm cho những lao động nhàn rỗi ở nông thôn. Đến cuối năm 2022, thu nhập bình quân/đầu người của xã đạt 58 triệu đồng/người/năm, số hộ nghèo giảm còn 9 hộ thuộc chính sách bảo trợ xã hội.
Đảng bộ, chính quyền xã Hòa Bình tiếp tục tập trung chăm lo cho người dân, chú trọng xây dựng nông thôn mới nâng cao để phát triển toàn diện các mặt đời sống, kinh tế, xã hội. Trên lĩnh vực kinh tế, địa phương tiếp tục duy trì các mô hình phát triển kinh tế mang hiệu quả cao, tuyên truyền người dân cơ cấu lại ngành kinh tế nông nghiệp, đặc biệt là diện tích trồng lúa, cây ăn trái kém chất lượng, đẩy mạnh đưa cây màu xuống ruộng. Cùng với đó, địa phương tiếp tục hoàn thiện hệ thống giao thông, thủy lợi tạo thuận lợi cho người dân giao thương hàng hóa, ra sức tuyên truyền tạo sự đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện các mục tiêu của địa phương, chung sức đưa quê hương Bưng Sẩm đổi mới và phát triển.
Lê Thúy Hằng