Ngày 14/4, Đoàn lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long do Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Nghiêm làm Trưởng đoàn, đã đến chúc Tết và tặng quà Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và Chùa Hạnh Phúc Tăng ở xã Trung Thành, huyện Vũng Liêm, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long Bùi Văn Nghiêm ghi nhận và biểu dương những đóng góp của các vị sư sãi và đồng bào Khmer vào sự phát triển chung của tỉnh trong thời gian qua; đồng thời chúc quý vị sư sãi, quý vị trụ trì, ban quản trị, người có uy tín và đồng bào Khmer đón Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây vui tươi, an toàn, tiết kiệm và hạnh phúc.
Ông Bùi Văn Nghiêm mong muốn các vị chư tăng, đồng bào Phật tử là người dân tộc Khmer trong thời gian tới tiếp tục phát huy truyền thống đại đoàn kết, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Bên cạnh đó, các vị chư tăng, đồng bào Phật tử tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững, nhất là nỗ lực lao động sản xuất để nâng cao đời sống; giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nâng cao ý thức cảnh giác, góp phần giữ gìn an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh, các vị chư tăng vận động đồng bào phật tử chung sức đồng lòng xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Long, nhân dịp Tết cổ truyền Chôl Chnăm Thmây của đồng bào Khmer, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tổ chức các đoàn cán bộ chủ chốt đến chúc Tết và tặng quà 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước tỉnh và Trường Dân tộc nội trú tỉnh Vĩnh Long. Dịp này, các đoàn trao tặng 135 phần quà cho người uy tín, hộ nghèo, hộ bảo trợ xã hội người dân tộc Khmer.
Vĩnh Long hiện có 26.596 người dân tộc thiểu số (chiếm 2,6%) dân số toàn tỉnh; trong đó, đồng bào Khmer 22.630 người (chiếm 2,21%). Người Khmer sống ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn, tập trung chủ yếu ở 3 huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm và thị xã Bình Minh. Thời gian qua, tỉnh triển khai nhiều chính sách về công tác dân tộc, góp phần thay đổi đáng kể bộ mặt vùng đồng bào dân tộc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm; bản sắc văn hóa dân tộc được quan tâm bảo tồn và phát triển.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn I (2021 - 2025), trong năm 2022, tỉnh hỗ trợ 239 hộ dân tộc thiểu số ở các ấp đặc biệt khó khăn về nước sinh hoạt; triển khai 8 công trình đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công của lĩnh vực dân tộc… Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã xây 307 căn nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo, cận nghèo là người Khmer.
Mạng lưới y tế cơ sở tại vùng đông đồng bào dân tộc Khmer cơ bản được hoàn chỉnh, trong đó tỷ lệ trạm y tế có bác sỹ đạt 100%; người dân tộc thiểu số tham gia bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Trên địa bàn các xã có đông đồng bào dân tộc của tỉnh có 15 trường mầm non và phổ thông, có 3 trường đạt chuẩn quốc gia; các xã đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục Trung học Cơ sở. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 13 chùa Phật giáo Nam tông Khmer, đây là nơi giữ gìn văn hóa truyền thống như dạy chữ viết, tác phẩm văn học, nghệ thuật, phong tục tập quán, lễ hội truyền thống… của đồng bào dân tộc Khmer.
Phạm Minh Tuấn