Nghề hấp cá phơi khô ở Quảng Trị. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN |
Các làng nghề hấp cá phơi khô ở vùng ven biển của huyện Gio Linh, đã sản xuất ra sản phẩm cá biển khô nổi tiếng, được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng. Hiện nay, ở huyện Gio Linh có trên 140 cơ sở làm nghề hấp cá phơi khô; trong đó, chủ yếu là cá nục và cá cơm. Các làng nghề chế biến khoảng 17.000 tấn cá biển mỗi năm, cho doanh thu khoảng 60 tỷ đồng; trong đó, tập trung chủ yếu ở các làng nghề: Xuân Tiến, Xuân Ngọc, Xuân Lộc, Tân Xuân thuộc xã Gio Việt; các khu phố 1, 2, 3 và 4 thuộc thị trấn Cửa Việt.
Theo Chủ tịch UBND huyện Gio Linh Trần Văn Quảng, địa phương đã và đang thực hiện các giải pháp để hỗ trợ nghề hấp cá phơi khô phát triển; trong đó, chú trọng đến việc quy hoạch mặt bằng giúp các hộ sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.
Đến tháng 1/2019, tỉnh Quảng Trị có 35 sản phẩm có thế mạnh thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm: thực phẩm 21 sản phẩm, đồ uống 3 sản phẩm, thảo dược 6 sản phẩm, vải và may mặc 1 sản phẩm, lưu niệm – nội thất – trang trí 3 sản phẩm, dịch vụ du lịch nông thôn 1 sản phẩm.
Tỉnh hiện có 5 sản phẩm có doanh thu lên đến trên 20 tỷ đồng/năm gồm: nước mắm trên 52 tỷ đồng, bún bánh 85 tỷ đồng, cá hấp 60 tỷ đồng, ném củ 21 tỷ đồng và cao dược liệu 20 tỷ đồng. Ngoài ra, tỉnh còn có gần 100 sản phẩm, vật phẩm tiềm năng có thể phát triển tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Trị, dự kiến đến năm 2020, tỉnh thực hiện hoàn thiện, nâng cấp và tiêu chuẩn hóa 35 sản phẩm thế mạnh; phát triển mới 15 sản phẩm và 1 – 2 làng nghề du lịch sinh thái cộng đồng kết hợp bảo tồn các giá trị văn hóa; phấn đấu có ít nhất 3 sản phẩm đạt “5 sao” cấp tỉnh, 1 sản phẩm đạt “5 sao” cấp quốc gia.
Để đạt được mục tiêu này, tỉnh dự kiến huy động trên 98 tỷ đồng; trong đó, ngân sách Trung ương gần 18 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương và nguồn khác, để hỗ trợ các địa phương phát triển sản phẩm thế mạnh…