Người dân thôn Hà Tây (xã Triệu An, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị) thu hoạch lúa trên ruộng cát không có nước và công trình thủy lợi phục vụ nước sản xuất. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm - TTXVN |
Tham gia mô hình này có 1.780 hộ dân được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật canh tác, giống, vật tư. Cụ thể, hộ sản xuất lúa được hỗ trợ 50% giống, 30% phân bón, 50% chế phẩm xử lý rơm rạ. Hộ sản xuất rau màu được hỗ trợ 100% chế phẩm vi sinh, 30% phân bón... Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Trị Trần Thanh Hiền cho biết, tham gia mô hình này bà con nông dân sản xuất trên cánh đồng lớn các giống lúa chịu khô hạn; tiết kiệm nước tưới, bà con chỉ cần cho nước vào ruộng ở thời kỳ lúa đẻ nhánh và làm đòng, thời gian còn lại chủ yếu giữ ẩm chân ruộng; gieo sạ bằng công cụ sạ hàng giúp lúa phát triển thẳng hàng tạo thuận lợi cho việc tưới, tiêu nước; tiết kiệm phân bón nhờ bón phân hợp lý theo từng giai đoạn sinh trưởng của lúa... Các giải pháp này giúp bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn do vừa tiết kiệm được chi phí sản xuất, vừa tạo ra được sản phẩm đồng nhất tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thu mua. Ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị cũng đang nhân rộng mô hình sản xuất hữu cơ đối với lúa, dứa, ngô, hồ tiêu... nhằm hạn chế tác động đến môi trường và dịch bệnh, tạo ra sản phẩm chất lượng cao và bảo đảm an toàn thực phẩm. Điển hình là mô hình sản xuất lúa hữu cơ được trồng thử nghiệm từ năm 2016 với 10 ha, đến nay đã nhân rộng lên 160 ha. Sản xuất lúa hữu cơ, bà con nông dân chỉ sử dụng phân bón hữu cơ vi sinh, nhằm hạn chế tác động đến môi trường và tạo ra sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm nhưng vẫn cho năng suất cao 55 tạ/ha. Lúa hữu cơ được doanh nghiệp thu mua với giá 8.000 đồng/kg, giúp bà con thu lãi cao hơn so với lúa thường. Tỉnh Quảng Trị cũng đã đề ra nhiều giải pháp sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu. Tỉnh khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng tưới tiết kiệm, trồng rau màu trong nhà kính; nghiên cứu chọn lọc, khảo nghiệm các bộ giống mới, phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu của địa phương; phục tráng các giống cây trồng có hiệu quả kinh tế cao để tạo ra nguồn giống ổn định; tập trung gieo trồng giống ngắn ngày để hạn chế tác động của hạn hán, lũ lụt và dịch bệnh; đầu tư hoàn thiện hệ thống hệ thống thủy lợi phục vụ tưới, tiêu...
Nguyên Lý