Quảng Trị hỗ trợ phát triển sản xuất đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã

Diện tích cây dược liệu tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN
Diện tích cây dược liệu tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Tỉnh Quảng Trị đã và đang tập trung hỗ trợ đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm giúp các mô hình kinh tế này phát triển triển sản xuất.

Quảng Trị hỗ trợ phát triển sản xuất đối với kinh tế tập thể, hợp tác xã ảnh 1 Diện tích cây dược liệu tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị). Ảnh: Hồ Cầu - TTXVN

Đây cũng là hành động để cụ thể hóa Nghị quyết số 20-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.

Quảng Trị có thế mạnh về trồng rừng sản xuất với diện tích khoảng 110.000 ha, bộ cây trồng chủ lực là keo và tràm. Mỗi năm, rừng trồng cung cấp cho thị trường khoảng 800.000 – 1.000.000 tấn gỗ nguyên liệu phục vụ các nhà máy chế biến gỗ trên địa bàn tỉnh và địa phương khác.

Đáng chú ý trong tổng số diện tích rừng trồng, tỉnh có trên 23.000 ha rừng gỗ lớn đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững (FSC), dẫn đầu cả nước về loại rừng này. Hiện tỉnh có 32 hợp tác xã cùng nhiều tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng sản xuất; trong đó có 6 hợp tác xã trồng rừng gỗ lớn FSC.

Hợp tác xã Thủy Đông, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ tham gia trồng rừng FSC từ năm 2014 và đã cho thấy hiệu quả khi loại rừng này cho doanh thu trên 200 triệu đồng/ha.

Tuy nhiên, để mở rộng diện tích rừng loại này cũng không phải dễ do khó khăn về vốn. Theo Giám đốc Hợp tác xã Thủy Đông Nguyễn Văn Lục, các hộ tham gia vào hợp tác xã trồng rừng gỗ lớn mong muốn được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để mở rộng diện tích, bởi trồng rừng loại này mất khoảng 10 năm mới cho khai thác.

Tỉnh Quảng Trị có trên 300 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, cùng hàng nghìn tổ hợp tác sản xuất. Phần lớn các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp như: sản xuất lúa hữu cơ, trồng hoa, trồng cây ăn quả, trồng cây công nghiệp, trồng rừng.

Các mô hình kinh tế này giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng nghìn hộ nông dân. Tuy nhiên, các hợp tác xã, tổ hợp tác hoạt trong lĩnh vực nông nghiệp cũng gặp khó khăn khi thị trường tiêu thụ, giá nông sản thường xuyên biến động; thiệt hại do thiên tai và dịch bệnh.

Để kịp thời tháo gỡ khó khăn, ngày 24/11, UBND tỉnh Quảng Trị đã quyết định, trong giai đoạn 2022 – 2025 dành gần 73 tỷ đồng hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, hỗ trợ thành viên, tăng cường năng lực của các mô hình kinh tế này. Đồng thời, hỗ trợ cụ thể tập trung vào thành lập mới, củng cố tổ chức kinh tế tập thể, hợp tác xã; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đầu tư kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm; phát triển sản xuất.

Với sự hỗ trợ này tỉnh phấn đấu đến năm 2025, thành lập mới 95 - 100 hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã; 60% tổng số hợp tác xã hoạt động từ loại khá trở lên.

Nguyên Lý

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm