Ngày 7/12, tại Hà Nội, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW và Tổng kết 10 năm thi hành Luật Hợp tác xã năm 2012 trong lĩnh vực phi nông nghiệp.
Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung ương có Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh; Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Ngọc Bảo cùng đại diện lãnh đạo một số ban, bộ, ngành Trung ương và các đại biểu tham dự tại 63 điểm cầu trên cả nước.
Thông tin về kết quả qua 20 năm thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 18/3/2002, Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong lĩnh vực phi nông nghiệp, Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Nguyễn Văn Thịnh cho biết: Sau 20 năm, hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp đã phát triển cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hiệu quả hoạt động, vượt qua những yếu kém kéo dài trước đây. Thông qua việc triển khai Nghị quyết đã tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể nhân dân đối với phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp. Liên minh Hợp tác xã Việt Nam củng cố tổ chức bộ máy, thống nhất và liên kết chặt chẽ từ trung ương đến địa phương, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo Điều lệ, giữ vai trò nòng cốt trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Các loại hình hợp tác xã lĩnh vực phi nông nghiệp có nhiều bước tiến nổi bật, trong đó lĩnh vực vận tải, thương mại, dịch vụ tăng mạnh; tổ chức sản xuất, kinh doanh tập trung, đa dạng ngành nghề, quản trị linh hoạt, từng bước hiện đại. Số lượng hợp tác xã, Liên hiệp Hợp tác xã quy mô vừa và lớn, tham gia xuất khẩu hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, kinh doanh gắn với chuỗi giá trị, sản phẩm OCOP ngày càng tăng, thích ứng an toàn, linh hoạt với điều kiện dịch COVID-19, mang lại hiệu quả thiết thực cho thành viên, đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.
Đến cuối năm 2021, cả nước có 9.316 hợp tác xã, 16 Liên hiệp Hợp tác xã, 44.226 tổ hợp tác, thu hút gần 3 triệu thành viên; vốn điều lệ, giá trị tổng tài sản, doanh thu, tiền lãi đều tăng từ 5,9 - 15 lần so với năm 2002. Tỷ lệ hợp tác xã hoạt động có hiệu quả đạt 55% - 80% và có sự khác biệt về tính đa dạng, cơ chế hoạt động với hợp tác xã nông nghiệp.
So với chung cả nước, tổng số hợp tác xã, số lượng thành viên và lao động của hợp tác xã phi nông nghiệp thấp hơn (chiếm 30%), nhưng đạt tỷ lệ cao hơn trong vốn (58,5%), tài sản (91,2%), doanh thu (67,1%), lợi nhuận (51,3%), thu nhập bình quân gấp 1,9 lần so với hợp tác xã nông nghiệp.
Từ khi Luật Hợp tác xã năm 2012 được ban hành, các quy định, thủ tục hành chính về vấn đề này đã từng bước được hoàn thiện. Công tác tổ chức và hướng dẫn đăng ký được cơ quan đăng ký hợp tác xã cấp tỉnh, huyện thực hiện đúng theo quy định của Luật; quy trình, thủ tục đăng ký hợp tác xã được niêm yết công khai.
Các hợp tác xã từng bước nâng cao chất lượng thành viên, thu hút số lượng lớn các hộ cá thể, cá nhân tham gia thành viên hợp tác xã. Đến nay, có trên 80% thành viên thực hiện góp vốn vào hợp tác xã; vốn chủ sở hữu chiếm 72% tổng nguồn vốn của hợp tác xã; có 91% hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã huy động vốn từ thành viên, hợp tác xã thành viên để đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh…
Tại Hội nghị, đại biểu tham dự đã cùng thảo luận, chia sẻ những kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hợp tác xã, từ đó đề ra những giải pháp hiệu quả để phát triển kinh tế hợp tác xã trong thời gian tới.
Khẳng định sứ mệnh cao cả của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tập hợp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, với chức năng rất quan trọng là giám sát và phản biện trong quá trình xây dựng pháp luật và thực thi chính sách của Đảng, Nhà nước trong xã hội, trong nền kinh tế quốc dân, với tinh thần đó, qua báo cáo và quá trình theo dõi, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến đánh giá, việc triển khai hoạt động của kinh tế tập thể, hợp tác xã thời gian đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Biểu dương, chúc mừng và bày tỏ mong muốn Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sẽ tiếp tục đạt được những kết quả hiệu quả trong thời gian tới, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cũng lưu ý về một số hạn chế cần tiếp tục được khắc phục, trong đó có vấn đề về nhận thức và sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương chưa ngang tầm với yêu cầu đòi hỏi phát triển kinh tế tập thể; giải quyết các tồn tại về đất đai; tiếp cận vốn; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trên phương diện quản lý, tiếp cận khoa học kỹ thuật; tiếp cận với kinh tế thị trường...
Theo ông Đỗ Văn Chiến, mục đích tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và 10 năm thực hiện Luật Hợp tác xã năm 2012 nhằm khẳng định kết quả đúng đắn đã đạt được, đồng thời chỉ ra những tồn tại, hạn chế, bất cập, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm để tổng hợp tài liệu, thông tin xác đáng, thuyết phục, qua đó kiến nghị với Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn các vấn đề liên quan tới kinh tế tập thể, hợp tác xã. Đồng thời, đây cũng là cơ hội tổng kết các căn cứ lý luận và thực tiễn để kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012.
Để tiếp tục triển khai hiệu quả kinh tế tập thể, hợp tác xã, ông Đỗ Văn Chiến đề nghị cần tiếp tục quán triệt sâu sắc quan điểm, mục tiêu, giải pháp chủ yếu trong triển khai Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX, các kết luận của Bộ Chính trị, Chỉ thị của Ban Bí thư, xác định rõ vai trò quan trọng của kinh tế tập thể, Luật Hợp tác xã như Nghị quyết Trung ương 5 đã xác định là kinh tế Nhà nước cùng với kinh tế tập thể ngày càng trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân. Phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã là xu thế chung của nền sản xuất hàng hóa, là đòi hỏi khách quan trong thực tiễn của đời sống xã hội.
Cùng với đó, Ban Chỉ đạo đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã cần tổng hợp, phân tích kỹ thông tin, có đủ căn cứ lý luận và thực tiễn để kiến nghị xác đáng với Chính phủ, Trung ương nghiên cứu ban hành nghị quyết mới; kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung Luật Hợp tác xã năm 2012; tháo gỡ những nút thắt về vấn đề đất đai, vốn, đào tạo, quản lý, chuyển giao khoa học công nghệ, tiếp cận thị trường… để thúc đẩy sản xuất phát triển.
Cho rằng phát triển kinh tế tập thể là một trong những yếu tố quan trọng để phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội; hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam bày tỏ tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự quản lý hiệu quả của Nhà nước, vai trò nòng cốt của hệ thống liên minh hợp tác xã, khu vực kinh tế tập thể và hợp tác xã sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ hơn, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp phát triển nhanh và bền vững của đất nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Hiền Hạnh