Người dân Quảng Trị thu gom mủ cao su tại vườn. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN |
Xã Vĩnh Thạch, huyện Vĩnh Linh là một trong những địa phương ven biển trồng nhiều cao su nhất tỉnh Quảng Trị. Địa phương này hiện có 380 ha; trong đó có 360 ha đang cho thu hoạch. Theo đại diện UBND xã Vĩnh Thạch, trong những năm gần đây diện tích cao su giảm khoảng 10 ha/năm. Nguyên nhân là do cây cao su hay bị gãy đổ khi có gió bão gây thiệt nặng nề, giá mủ cao su xuống thấp nên người dân chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày. Cao su là một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh Quảng Trị. Đến tháng 5/2019, tỉnh Quảng Trị có trên 19.000 ha cao su; trong đó diện tích cho khai thác gần 12.500 ha, sản lượng mủ trên 15.000 tấn. Trong những năm qua, tỉnh Quảng Trị đã có hàng nghìn ha cao su bị gãy đổ do gió mạnh và bão, tập trung chủ yếu ở vùng ven biển, vùng trung du ở các huyện: Vĩnh Linh, Cam Lộ, Gio Linh… Điển hình là năm 2013, tỉnh Quảng Trị có hơn 7.000 ha, năm 2017 có gần 3.000 ha cao su bị gãy đổ do gió bão. Cơ quan chức năng khuyến cáo, người trồng cao su cần tiến hành tỉa chồi ngang để có đoạn thân cạo mủ thấp từ 2 – 2,5 m nhằm hạn chế gió bão; đồng thời chặt bỏ bớt cành lá trước khi bão đến, tăng cường trồng và bảo vệ các vành đai chống gió bão cho các vườn cao su và vành đai rừng phòng hộ ven biển. Đến năm 2020, tỉnh Quảng Trị phấn đấu phát triển được từ 22.000 – 23.000 ha cao su. Đến năm 2030, tỉnh ổn định 25.000 ha cao su ở các vùng phía Tây xa bờ biển thuộc các huyện: Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ; sản lượng mủ cao su đạt 35.000 – 40.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, các địa phương trong tỉnh Quảng Trị cũng khuyến khích người dân, chuyển đổi diện tích cao su già cỗi sang cây trồng ngắn ngày; trong đó chú trọng liên kết trong việc trồng cây dược liệu, cây ăn quả… để đảm bảo đầu ra.
Nguyên Lý