Công bố Quyết định thành lập Trung tâm Truyền thông tỉnh và bộ máy lãnh đạo Trung tâm. Ảnh: Văn Đức - TTXVN |
Trung tâm Truyền thông được thành lập trên cơ sở hợp nhất về tổ chức bộ máy, biên chế các cơ quan thông tin, báo chí của tỉnh, gồm: Báo Quảng Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Hạ Long (thuộc Hội Văn học nghệ thuật tỉnh), Trung tâm Thông tin tỉnh (thuộc Văn phòng UBND tỉnh).
Trung tâm này có nhiệm vụ bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ phóng viên đa năng có khả năng tác nghiệp đa phương tiện; tích hợp dữ liệu, ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện có hiệu quả mô hình "Tòa soạn hội tụ”; hoạt động theo Luật Báo chí và Quy hoạch Báo chí quốc gia…
Tổ chức bộ máy Ban Lãnh đạo Trung tâm, gồm: 1 giám đốc, 3 phó giám đốc. Trước mắt, Trung tâm giữ nguyên số lượng lãnh đạo các cơ quan thông tin, báo chí như hiện có, sau đó thực hiện giảm dần theo lộ trình. Các phòng, ban, đơn vị đầu mối trực thuộc và số lượng biên chế của Trung tâm được xác định trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, đề án vị trí việc làm do Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu.
Cán bộ lãnh đạo, quản lý, công chức, viên chức, người lao động hợp đồng hiện đang làm việc tại các đơn vị hợp nhất được hưởng lương, phụ cấp hiện hưởng theo quy định.
Ông Mai Vũ Tuấn, Tỉnh ủy viên, nguyên Bí thư Huyện ủy Bình Liên được phân công làm Giám đốc Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh. Ông Tuấn từng trải qua các vị trí công tác như: Phó Giám đốc Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông tỉnh.
Trong khi chờ hoàn thiện trụ sở Trung tâm, trước mắt, toàn bộ lãnh đạo Trung tâm được bố trí về làm việc tại cùng một trụ sở. Đội ngũ cán bộ, phóng viên, kỹ thuật viên, nhân viên sau khi sắp xếp lại bộ máy, bố trí làm việc hợp lý tại trụ sở các cơ quan hiện tại.
Về sản phẩm truyền thông, trước mắt giữ nguyên các sản phẩm truyền thông hiện có (tích hợp những nội dung trùng lắp) của các cơ quan thông tin, báo chí tỉnh.
Việc thành lập Trung tâm nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên sâu trong hoạt động báo chí gắn với chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội của nhà báo và các đơn vị báo chí; xây dựng các kênh thông tin mạnh để định hướng, tạo dư luận xã hội tốt, từ đó lan tỏa mặt tích cực trong cán bộ, đảng viên, nhân dân; đấu tranh phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, thù địch; phòng, chống các biểu hiện suy thoái, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.