Thiên nhiên ưu đãi cho thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi bờ biển đẹp, nhiều điểm đến hấp dẫn và hàng chục di tích lịch sử; trong đó có nhiều khu di tích mang tầm quốc gia. Tuy nhiên, trong những năm qua, du lịch nơi đây vẫn phát triển chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vốn có.
* Tiềm năng lợi thế
Thị xã Đức Phổ có diện tích tự nhiên 37.267 ha, dân số 140.000 người, nằm cách thành phố Quảng Ngãi hơn 40 km về phía Nam. Ở đây có bờ biển dài khoảng 50 km, hai cửa biển Mỹ Á và Sa Huỳnh. Dọc bờ biển có các bãi tắm đẹp như: Hội An, Hải Tân, Nam Phước, Châu Me. Những dãy núi sát biển với nhiều hang động vừa có ý nghĩa lịch sử vừa là thắng cảnh như: hang động Dầu, hang Hóc Mỏ, hang Én, địa đạo núi Sầu Đâu.
Nhắc đến thị xã Đức Phổ là nhắc đến Sa Huỳnh - một trong ba nền văn hóa cổ xưa của Việt Nam. Sa Huỳnh hiện nay (thuộc địa phận hai phường Phổ Châu và Phổ Thạnh) có vùng di chỉ khảo cổ giá trị với hàng loạt mộ chum và nhiều hiện vật tiêu biểu cho nền văn hóa cổ xưa. Tại đây còn có đầm An Khê là di sản thiên nhiên - khảo cổ đặc biệt giá trị.
Ông Cao Chư, nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho rằng, tiềm năng du lịch hàng đầu của Đức Phổ chính là khu vực quanh đầm An Khê, liền dải với Sa Huỳnh. Nơi đây hội tụ nhiều yếu tố phong phú như cảnh quan, chiều sâu văn hóa, ẩm thực, thuận tiện về giao thông.
Một điểm đến nổi tiếng khi đến Sa Huỳnh không thể bỏ qua đó là làng Gò Cỏ ở phường Phổ Thạnh - nơi hội tụ tinh hoa của văn hóa Sa Huỳnh, Chăm Pa và Đại Việt. Gò Cỏ từ lâu đã được xem như “viên ngọc quý” của ngành Du lịch Quảng Ngãi. Ngôi làng cổ nghìn năm tuổi vẫn giữ cho mình diện mạo thuần chất đã và đang được đầu tư phát triển du lịch cộng đồng, thu hút nhiều du khách đến tham quan, trải nghiệm. Ngoài ra, nhiều đoàn du khách là thanh niên, học sinh, sinh viên thường đến Khu di tích lịch sử Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường để tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của nữ Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.
Thị xã có 4 di tích lịch sử văn hóa được công nhận là di tích quốc gia như: Di tích khảo cổ văn hóa Sa Huỳnh ở Gò Ma Vương, Phú Khương di tích huyện đường Đức Phổ, di tích Trường Lũy Quảng Ngãi (đoạn thị xã Đức Phổ), di tích mộ và đền thờ Huỳnh Công Thiệu. Đức Phổ còn có trên 20 di tích lịch sử văn hóa, thắng cảnh cấp tỉnh đã được công nhận.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển cho biết, hạ tầng du lịch, việc trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử, thiết chế về văn hóa, thể thao chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển hiện nay của địa phương. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng các điểm du lịch chưa đồng bộ; công tác kêu gọi, xúc tiến đầu tư các dự án còn chậm; chất lượng các loại dịch vụ còn yếu; nhiều điểm du lịch lịch sử chưa được khai thác hiệu quả...
* Khơi dậy tiềm năng
Đức Phổ xác định phát triển du lịch, dịch vụ gắn với phát triển kinh tế - xã hội nhằm góp phần giải quyết việc làm, nâng cao đời sống của người dân là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thị xã Đức Phổ Đỗ Tâm Hiển, để thực hiện mục tiêu này, trước mắt, thị xã phối hợp với các cơ quan của tỉnh, Trung ương tập trung xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng tại các điểm, khu du lịch; đảm bảo tiến độ các dự án giao thông quan trọng, tạo tiền đề để phát triển du lịch; từng bước hoàn thiện các thiết chế văn hóa, thể thao và các di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh. Thị xã tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng các cơ sở lưu trú du lịch; mời gọi các nhà đầu tư có tầm chiến lược khảo sát, đầu tư các dự án lớn, mang tính kích cầu du lịch.
Cùng với đó, Đức Phổ sẽ triển khai nhiều biện pháp tăng cường phát triển du lịch cộng đồng, từng bước hướng người dân địa phương vừa làm nông nghiệp, khai thác hải sản vừa làm dịch vụ, hướng dẫn viên du lịch. Như vậy, doanh thu từ du lịch mới có thể từng bước được cải thiện.
Từ hiệu quả của mô hình Hợp tác xã Du lịch cộng đồng làng Gò Cỏ, chính quyền địa phương sẽ lựa chọn và đầu tư xây dựng thêm một số điểm du lịch cộng đồng khác trong khu vực Sa Huỳnh để đẩy mạnh thương hiệu du lịch cộng đồng cho Đức Phổ. Đồng thời, để thúc đẩy du lịch Đức Phổ phát triển, thị xã sẽ triển khai nhiều biện pháp thiết thực và cụ thể; trong đó, giải pháp trọng tâm là tăng cường quảng bá, giới thiệu các địa điểm du lịch đặc sắc của địa phương đến với du khách trong, ngoài nước; phát triển các sản phẩm du lịch gắn với lĩnh vực nông nghiệp; bảo tồn và phát huy các sản phẩm du lịch tâm linh, các di tích lịch sử, khu danh lam thắng cảnh; tăng cường công tác bảo vệ môi trường…
Với những giải pháp trên, hy vọng Đức Phổ sẽ thực sự khai thác được tiềm năng dồi dào, đưa du lịch cất cánh, trở thành điểm đến lý tưởng cho du khách trong, ngoài nước, góp phần thúc đẩy kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân địa phương.
Đinh Hương