Những năm gần đây, các huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi đã chú trọng phát triển kinh tế tập thể - hợp tác xã hình thành chuỗi liên kết trong trồng, chế biến và tiêu thụ các mặt hàng nông sản, đặc sản địa phương. Đồng thời, thông qua hợp tác xã từng bước giúp người dân thay đổi phương thức sản xuất, nâng cao thu nhập.
Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long, huyện Sơn Tây được thành lập vào tháng 8/2020 với 18 thành viên; trong đó, chủ yếu là người Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng). Tận dụng quỹ đất rộng, phù hợp trồng cây ăn quả, chăn nuôi, hợp tác xã đã hướng dẫn các thành viên tham gia sản xuất, chăn nuôi theo từng nhóm hộ. Theo đó, những gia đình không có đất sẽ tập trung chăn nuôi lợn rừng lai, thỏ. Đối với những hộ có đất sẽ trồng cây ăn quả.
Giám đốc hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long Đinh Văn Thức cho biết, hiện nay hợp tác xã chia thành các tổ hợp tác chuyên nuôi lợn rừng lai, nuôi thỏ, trồng cây ăn quả. Bên cạnh đó, hợp tác xã còn làm nhiều dịch vụ khác như sản xuất giống cây ăn quả.
Trước đây, gia đình chị Đinh Thị Hồng, xã Sơn Long, huyện Sơn Tây trồng cây sắn, cây keo lai để phát triển kinh tế, thu nhập bấp bênh. Từ khi tham gia vào Hợp tác xã Sản xuất và Kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Sơn Long, các thành viên được hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật chăm bón, nâng cao năng suất, chất lượng các loại cây ăn quả như ổi, sầu riêng, bưởi da xanh. Gia đình chị Hồng chuyển sang trồng cây ăn quả và được tập huấn giải pháp sản xuất theo quy trình an toàn, cải tạo đất để chuyển đổi cây trồng. Đến nay gia đình có hơn 1 ha đất đồi trồng các loại cây ăn quả và đang cho thu nhập thường xuyên.
Còn Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà, huyện Sơn Hà không chỉ tập trung sản xuất chăn nuôi thực phẩm sạch, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn đầu tư trang thiết bị máy móc để bảo quản sản phẩm và chế biến sâu sản phẩm nhằm gia tăng giá trị nông sản.
Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp sạch Sơn Hà Phạm Đình Nghĩa cho biết, hợp tác xã thành lập nhằm giúp bà con dân tộc tại địa phương có việc làm và thu nhập ổn định hơn. Xác định sản xuất nông nghiệp an toàn là điều kiện quan trọng để tiêu thụ sản phẩm bền vững, hợp tác xã đã vận động các thành viên thay đổi tư duy, đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, trồng trọt, chăn nuôi theo hướng hữu cơ, an toàn, đảm bảo sản phẩm sạch đến với người tiêu dùng.
Hợp tác xã đã xuất ra thị trường 12 loại sản phẩm; trong đó, có 5 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP gồm: gà kiến, gà đen, mắm cá niên, mướp đắng rừng sấy khô, ớt xiêm rừng ngâm dấm. Các sản phẩm được bày bán tại cửa hàng, hệ thống siêu thị BigC, cửa hàng nông sản sạch... Doanh thu của hợp tác xã liên tục tăng từng năm, tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập bình quân cho người dân - ông Nghĩa cho hay.
Đến nay, tại 5 huyện miền núi tỉnh Quảng Ngãi có 71 hợp tác xã được thành lập, góp phần rất lớn vào việc thay đổi diện mạo, từ đời sống vật chất đến tinh thần của người dân. Doanh thu bình quân của các hợp tác xã là 2,1 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế bình quân đạt 120 triệu đồng, thu nhập bình quân của thành viên 62 triệu đồng/người/năm và người lao động đạt 56 triệu đồng/người/năm. Các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn ngày càng khẳng định vai trò trong việc xây dựng liên kết hỗ trợ và liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị cho mặt hàng nông sản.
Phó Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Quảng Ngãi Lê Mân cho biết, xác định vai trò quan trọng của kinh tế tập thể - hợp tác xã, thời gian qua, Liên minh Hợp tác xã tỉnh và các địa phương ở miền núi Quảng Ngãi luôn khuyến khích, tạo điều kiện phát triển thêm các hợp tác xã, tổ hợp tác để giúp người dân đồng bào dân tộc thiểu số có thu nhập ổn định từ nông nghiệp.
Thời gian tới, Liên minh Hợp tác xã tỉnh tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thành lập và hoạt động; đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi về bản chất của kinh tế tập thể - hợp tác xã.
Đồng thời, tăng cường đào tạo cán bộ và phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số và miền núi; mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục nghề nghiệp, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động.
Đinh Hương