Quảng Ngãi: Những nông dân đồng bào Ca Dong sản xuất giỏi

Quảng Ngãi: Những nông dân đồng bào Ca Dong sản xuất giỏi

Với tinh thần dám nghĩ, dám làm, ham học hỏi, cùng sự hỗ trợ của các cấp chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, những năm qua, trên địa huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã xuất hiện ngày càng nhiều nông dân đồng bào Ca Dong sản xuất giỏi với các mô hình kinh tế bền vững, hiệu quả.

Ông Đinh Văn Nhứt (70 tuổi), thôn Nước Min, xã Sơn Mùa không chỉ là người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, mà còn là tấm gương nông dân tiêu biểu trong phong trào nông dân sản xuất giỏi và giàu lòng nhân ái, thường xuyên giúp đỡ bà con thôn xóm để cùng vươn lên thoát nghèo.

Gia đình ông Nhứt từng là một hộ nghèo ở xã Sơn Dung. Sau nhiều trăn trở và khát vọng vươn lên thoát nghèo trên chính mảnh đất quê hương, bằng chính nỗ lực của bản thân mình, ông bàn với vợ phải thay đổi tập quán sản xuất cũ bằng cách áp dụng những tiến bộ kỹ thuật, mạnh dạn thay đổi cây, con giống. Thay vì trước đây gia đình ông nuôi nhốt lợn, trâu ngay dưới nhà sàn, thì ông làm chuồng trại riêng để nhốt; không chỉ nuôi một, hai con để phục vụ nhu cầu của gia đình, mà ông chăn nuôi theo đàn để xuất bán. Ngoài trồng cây cau, cây keo như truyền thống, ông chuyển một phần vườn rừng qua trồng cây ăn quả, các loại cây gỗ lớn, lâu năm như sưa, bạch đàn cao sản, xoan đào,… Nhờ đó, đến nay gia đình ông đã sở hữu gần 15 ha vườn rừng với nhiều loại cây đã, đang cho thu hoạch; vườn cây ăn quả gồm các loại cây chuối, mít, bưởi; đàn gia súc thường xuyên xuất bán. Mỗi năm, gia đình ông Nhứt thu về khoảng 200 triệu đồng từ chăn nuôi, trồng trọt.

Ông Nhứt tâm sự: “Với những người ở lứa tuổi của tôi thì thực sự rất khó để học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, trồng trọt, vì chúng tôi không có nhiều học thức, không biết dùng máy tính, điện thoại thông minh như các cháu tuổi trẻ. Nhưng không phải vì vậy mà tôi không thay đổi. Tôi nghĩ không tự làm được thì nhờ con cháu chỉ cho, rồi tôi tìm thêm sách báo để đọc. Với phương châm 'lấy ngắn nuôi dài', nên trước hết tôi chọn mở rộng mô hình chăn nuôi, trồng những cây truyền thống, sau đó thì mới trồng thêm các loại cây trồng mới, lâu năm”.

Quảng Ngãi: Những nông dân đồng bào Ca Dong sản xuất giỏi ảnh 1Nông dân người Ca Dong chăm sóc vườn bưởi đang cho quả. Ảnh: baoquangngai.vn

Khi đã có thu nhập ổn định, ông Nhứt chia sẻ cách làm ăn của mình và luôn sẵn lòng giúp đỡ những hộ láng giềng khó khăn về nguồn vốn, cây, con giống. Ông còn chủ động tuyên truyền bà con phải bỏ các hủ tục cũ; thay đổi cách sống, chăn nuôi cũ để đảm bảo vệ sinh; vận động các cặp vợ chồng thường xuyên xảy ra cãi vã, bạo lực cố gắng tu chí làm ăn, chăm lo cho con cái,…

Chị Đinh Thị Ní, xã Sơn Dung cho hay, trước kia vợ chồng chị là hộ cận nghèo, lại thường xuyên xảy ra mâu thuẫn vì chị đã sinh 2 đứa con gái nhưng chồng chị muốn chị sinh thêm để có con trai. Biết được hoàn cảnh gia đình chị, ông Nhứt thường xuyên đến nói chuyện với chồng chị Ní, vận động anh chăm chỉ làm ăn, ông Nhứt còn hỗ trợ con giống để vợ chồng anh chị phát triển kinh tế. Nhờ đó, chồng chị Ní đã không còn phân biệt con trai, con gái, không ép chị Ní phải sinh thêm con. Đến nay, gia đình chị đã có kinh tế ổn định, sống hạnh phúc.

Còn Anh Đinh Văn Thây (36 tuổi) người dân tộc Ca Dong ở thôn Gò Lã, xã Sơn Dung, vốn xuất thân từ gia đình thuần nông, cuộc sống vất vả, khó khăn cho nên anh luôn trăn trở tìm cách làm ăn, phát triển kinh tế gia đình. Theo anh Thây, do nguồn vốn hạn chế, nên dù muốn chăn nuôi, trồng trọt nhưng vợ chồng anh phải bàn tính kỹ, vì nếu thất bại, không những khó trả nợ ngân hàng, mà còn không có vốn để tiếp tục làm ăn.

Lúc này, thấy nhiều người nuôi lợn rừng lai hiệu quả, anh Thây đến xin học hỏi kinh nghiệm nuôi, phòng dịch bệnh. Ban đầu vợ chồng anh Thây chỉ nuôi 5 con để lấy kinh nghiệm. “Vốn ít, kinh nghiệm chưa có nên tôi chỉ nuôi 5 con lợn rừng lai. Nhờ nguồn thức ăn có sẵn trong vườn và những kinh nghiệm học hỏi từ người đi trước nên đàn lợn của gia đình phát triển tốt. Đến nay, vợ chồng tôi mở rộng chăn nuôi, ngoài nuôi lợn rừng lai, tôi còn nuôi thêm dê, trồng cau, keo, sắn. Trong năm 2020 và 2021, sau khi trừ chi phí, vợ chồng tôi thu về gần 200 triệu đồng từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt”, anh Thây chia sẻ.

Ngoài làm kinh tế giỏi, gia đình anh Thây luôn tích cực tham gia các phong trào do thôn, xã phát động, như đóng góp xây dựng nông thôn mới, khuyến học, khuyến tài, phòng, chống dịch COVID-19; đồng thời nhiệt tình chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, chăn nuôi cho bà con. Ông Nguyễn Văn Long (thôn Gò Lã, xã Sơn Dung) cho biết, bản thân ông được anh Thây hướng dẫn cách nuôi dê đúng kỹ thuật để dê sinh trưởng phát triển tốt, cách phòng dịch bệnh.

“Anh Thây cho gia đình tôi mua con giống nhưng không phải trả tiền liền mà đến lúc xuất bán mới phải trả tiền giống và không lấy lãi. Anh ấy còn giúp tôi làm chuồng trại, chỉ cho tôi cách chuẩn bị nguồn thức ăn. Cũng nhờ sự giúp đỡ của anh Thây mà gia đình tôi đã thoát nghèo”, ông Long nói.

Huyện Sơn Tây thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân mạnh dạn đầu tư làm ăn, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, chăn nuôi để vươn lên thoát nghèo. Chủ tịch Hội Nông dân huyện Bùi Đức Thạch, cho biết: Sơn Tây là một trong những huyện nghèo của tỉnh, người dân lại chủ yếu là người dân tộc thiểu số, thiếu kiến thức về phát triển kinh tế, tư duy ỷ lại, không dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, thời gian gần đây, đã có nhiều nông dân mạnh dạn học hỏi, áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, mang lại hiệu quả, điển hình như ông Nhứt, anh Thây. Những nông dân này còn là những người năng nổ, nhiệt tình trong việc giúp đỡ bà con vươn lên thoát nghèo.

Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi rộng khắp và đi vào chiều sâu; nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả, bền vững; phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cùng với nguồn vốn của quỹ hỗ trợ nông dân các cấp tạo điều kiện cho nông dân vay vốn để có thêm điều kiện để làm ăn vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm