Quảng Ngãi: Góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Ca Dong

Các nghệ nhân chỉ dạy học sinh các nhạc cụ, bài hát của đồng bào Ca Dong. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN
Các nghệ nhân chỉ dạy học sinh các nhạc cụ, bài hát của đồng bào Ca Dong. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi đã thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian vào tháng 9/2021. Khi tham gia Câu lạc bộ, học sinh sẽ được các nghệ nhân dạy học đàn, hát.

Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây Lê Hoài Thạnh cho biết, Ban Giám hiệu nhận thấy sự mai một văn hóa của dân tộc Ca Dong trên địa bàn. Nếu không có các hoạt động trao truyền, tiếp nối giữa các thế hệ sẽ mất đi bản sắc văn hóa của dân tộc này. Học sinh của trường có tới 95% em là người Ca Dong. Do đó, Trường quyết định thành lập Câu lạc bộ Văn hóa dân gian nhằm góp phần giáo dục cho học sinh ý thức giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong. Thông qua Câu lạc bộ để giáo dục cho học sinh kỹ năng tiếp cận, khai thác văn hóa truyền thống, có trách nhiệm với văn hóa dân tộc mình.

Tham gia buổi sinh hoạt tại phòng truyền thống của Trường, các em học sinh hào hứng trong không gian sinh hoạt văn hóa này. Trong trang phục truyền thống, học sinh say sưa học đánh cồng chiêng, học đàn, học hát các làn điệu dân ca của người Ca Dong.

Quảng Ngãi: Góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Ca Dong ảnh 1Các em học sinh tham quan các vật dụng gắn với đời sống sinh hoạt đồng bào Ca Dong. Ảnh: Đinh Hương – TTXVN

Em Lương Phạm E Va cho biết, em tham gia Câu lạc bộ Văn hóa dân gian ngay từ những ngày đầu Câu lạc bộ thành lập. "Tham gia Câu lạc bộ, em được học những bài hát dân ca của người Ca Dong và đến nay em đã hát được rất nhiều bài. Những bài này hát rồi mới thấy rất hay, ý nghĩa, nó gắn liền với đời sống, văn hóa của chúng em. Em sẽ tiếp tục học những bài hát mới và chỉ dạy lại cho các em nhỏ ở bản", E Va chia sẻ.

Đáng nói là các buổi sinh hoạt của Câu lạc bộ đều có sự tham gia, chỉ dạy của một số nghệ nhân người Ca Dong trên địa bàn huyện Sơn Tây. Nghệ nhân Đinh Thanh Sơn cho rằng, ông rất vui khi được Ban lãnh đạo Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây mời tham gia truyền dạy cho học sinh cách chơi các loại nhạc cụ dân tộc, các bài hát dân ca của đồng bào Ca Dong.

Ông Sơn tâm sự: "Nhiều năm nay tôi luôn đau đáu suy nghĩ phải làm cách nào để thế hệ trẻ yêu thích văn hóa của đồng bào mình. Vì tôi thấy các cháu giờ chỉ thích chơi game, xem Youtube, Tiktok,… Tôi rất ngạc nhiên khi các em học sinh lại đam mê học hỏi các làn điệu dân ca, các bài chiêng trống của đồng bào mình. Mong rằng sẽ có thêm nhiều bạn trẻ biết yêu, gìn giữ và phát huy văn hóa của đồng bào Ca Dong".

Quảng Ngãi: Góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Ca Dong ảnh 2Các em học sinh học đánh các nhạc cụ của đồng bào Ca Dong. Ảnh: TTXVN phát

Ngoài truyền dạy văn hóa của người Ca Dong, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây còn tổ chức sưu tầm và trưng bày hơn 100 vật dụng gồm văn hóa vật thể và phi vật thể gắn với đồng bào Ca Dong. Văn hóa vật thể có các vật dụng gắn bó với đời sống sinh hoạt, sản xuất như: Nồi đồng, rổ, nia, gùi đi núi; những vật dụng dùng để bắt cá, săn thú rừng; trang phục thổ cẩm, trang sức bằng hạt cườm... Văn hóa phi vật thể có các nhạc cụ như cồng chiêng, đàn Bróc Krau, đàn Bróc Tru, sáo, tiêu… Nhờ đó, phòng truyền thống của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây như một "bảo tàng thu nhỏ", lưu giữ những giá trị văn hóa đặc sắc, phong phú của đồng bào Ca Dong. "Những vật dụng, dụng cụ này chủ yếu là do phụ huynh học sinh mang đến đóng góp. Thời gian tới, trường sẽ tiếp tục sưu tầm thêm nhiều vật dụng khác để phục vụ việc truyền dạy văn hóa cho học sinh", ông Thạnh cho hay.

Tuy mới thành lập, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian của Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Cơ sở Sơn Tây đã lan tỏa được niềm đam mê, yêu thích văn hóa dân gian của học sinh, tập hợp được bộ sưu tập gồm văn hóa vật thể và phi vật thể của tộc người Ca Dong. Đây thực sự là hoạt động giáo dục đặc thù, chuyên biệt của Trường Dân tộc nội trú Phổ thông Dân tộc và Trung học Cơ sở Sơn Tây, góp phần tạo ra những trải nghiệm để giúp giữ gìn bản sắc văn hóa địa phương. Tuy nhiên, để hoạt động mang lại hiệu quả cao hơn, chính quyền các cấp cần có đề án cụ thể, bố trí nguồn kinh phí hợp lý.

Quảng Ngãi: Góp phần giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa đồng bào Ca Dong ảnh 3Các nghệ nhân chỉ dạy học sinh các nhạc cụ, bài hát của đồng bào Ca Dong. Ảnh: Đinh Hương - TTXVN

"Hoạt động của Câu lạc bộ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của giáo viên nhà trường, học sinh cũng như phụ huynh. Mong rằng, chính quyền địa phương sẽ có giải pháp nhân rộng mô hình Câu lạc bộ Văn hóa dân gian đến các xã để cộng đồng cùng giữ gìn vốn quý văn hóa truyền thống của dân tộc Ca Dong. Nguồn kinh phí phục vụ hoạt động là tự túc của nhà trường nên hạn chế trong các hoạt động", ông Thạnh cho hay.

Ông Lê Phương Nam, Trưởng Phòng Văn hóa huyện Sơn Tây cho biết, Phòng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện trình Huyện ủy xây dựng Nghị quyết về bảo tồn văn hóa đồng bào Ca Dong. Trong nghị quyết đưa nội dung truyền dạy văn hóa cho thế hệ trẻ và đưa các loại hình văn hóa đặc sắc của người Ca Dong vào trường học, để các em có những tiết học ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm thực tế nhằm khơi dậy niềm đam mê văn hóa dân tộc.

Đinh Hương

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm