Hằng ngày thầy Tuyền và các em học sinh phải lội bộ trên con đường nhớp nháp bùn đất để đến lớp. Ảnh: baokontum.com.vn |
Giữa những cơn mưa rả rích nơi núi rừng Ngọc Tem, chúng tôi vượt từng con dốc trơn trượt, lởm chởm để đến với điểm trường Điek Ta Âu. Sau quãng đường bộ hành hơn 5 km gập gềnh, chúng tôi đến được với điểm trường Điek Ta Âu khi mặt trời đã khuất sau dãy núi Ngọk Brel.
Điểm trường Điek Ta Âu nằm giữa lưng chừng núi, là nơi học tập của 11 học sinh. Theo thầy Lê Văn Thức - Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Ngọk Tem, trên đỉnh núi này có 3 nhóm hộ dân sinh sống với hàng chục đứa trẻ ở độ tuổi đến trường. Đường đi hiểm trở, cùng với cuộc sống khó khăn nơi rừng núi nên các phụ huynh nơi đây không xem trọng việc học hành của con trẻ. Để các em được đến trường học con chữ, chính quyền địa phương đã xây dựng 1 điểm trường ở lưng núi này.
Từ sáng sớm, khi màn sương mù chưa chịu nhường chỗ cho ánh nắng thì âm thanh của những vần thơ đã vang lên trong lớp học. Giữa 11 cô cậu học trò đen nhẻm, ánh mắt trong veo đang chăm chú nghe giảng là cái dáng mảnh khảnh, mộc mạc của người thầy. Lớp học là một căn nhà cấp bốn được xây dựng kiên cố, hai phía của lớp học có 2 tấm bảng cho hai tốp học sinh xoay lưng lại với nhau. Một bên là những con số và phép cộng trừ nhân chia, bên còn lại là bài giảng tập đọc.
Sinh ra và lớn lên ở quê nghèo Hà Tĩnh, sau khi ra trường, cái duyên đã đưa vợ chồng thầy Tuyền đến với huyện nghèo Kon Plong (Kon Tum) để gieo cái chữ cho trẻ em vùng cao. Thầy Tuyền kể: Tôi và vợ quen nhau từ thời sinh viên. Ra trường, cái duyên đã đưa hai vợ chồng đến mảnh đất Kon Plong này. Dù biết trước sẽ có nhiều vất vả, nhưng đã xác định được nghề dạy học là cao quý nên vợ chồng luôn động viên nhau vượt qua.
Thầy Tuyền tận tụy với sự nghiệp "gieo chữ". Ảnh:baokontum.com.vn |
Trước khi chuyển công tác lên Điek Ta Âu, thầy Tuyền đã được đồng nghiệp cảnh báo về những khó khăn, thiếu thốn nhưng thầy không quản ngại. Thầy nhớ lại: Các thầy đi trước cảnh báo sẽ rất khó khăn và gian khổ. Nhưng vì niềm đam mê nên tôi vẫn quyết cõng ba lô vượt núi. Ngày lên nhận công tác, trời đổ mưa và phải đi bộ, hành trang mang theo chỉ là giáo án và mấy bộ quần áo nhưng cũng nặng lắm. Một mình cứ thế cuốc bộ tiến về hướng có đỉnh núi, vừa đi vừa hỏi đường, hỏi cả chục lượt mà câu trả lời lúc nào cũng là đi thêm đoạn nữa. Mình cứ đi như thế gần 2 tiếng, mãi rồi cũng đến nơi, cổ họng khát khô, bỏng rát.
Sau hơn 2 năm gắn bó với núi rừng Ngọk Brel, tình yêu trẻ cùng với lòng nhiệt huyết đã tiếp thêm động lực để thầy hoàn thành tốt nhiệm vụ. Giờ đây, những đứa trẻ Ca Dong (nhóm địa phương thuộc dân tộc Xơ Đăng) xem thầy như người cha, người thân trong gia đình. Hơn 2 năm cắm bản, cũng chừng ấy thời gian đồng bào nơi đây góp từng lon gạo, bó rau cho từng bữa ăn của giáo viên, biết bao nhiêu tình nghĩa. Điểm trường không chỉ là nơi thắp sáng ước mơ cho bao đứa trẻ mà đã trở thành mái nhà, thành gia đình của giáo viên cắm bản. Người dân trong làng sợ thầy bỏ về xuôi, lũ trẻ bơ vơ nên đã “bắt thầy về ở cùng”. Già làng A Thao cho biết: Dân làng thương thầy lắm, con em mình có biết chữ hay không là nhờ thầy cả. Thầy ở trong nhà mình, ăn uống với gia đình mình nên mình coi như con cái. Những lần thầy muốn về, mình lại gọi bà con đến xin thầy ở lại.
Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ngọc Tem có 9 điểm trường nằm rải rác ở các thôn làng. Điểm trường Đek Ta Âu nằm trong tốp khó khăn nhất tỉnh Kon Tum. Ở Đek Ta Âu 100% học sinh là người dân tộc thiểu số. Ngoài ra, nơi đây điều kiện kinh tế khó khăn, tồn tại nhiều hủ tục nên những giáo viên ở đây ngoài sứ mệnh dạy học còn giống như 1 cán bộ cắm bản để tuyên truyền, vận động bà con. Rất mừng là không riêng gì Đek Ta Âu, mà toàn trường tỷ lệ học sinh đi học gần như đạt 100%.
Thầy Vũ Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Ngọc Tem cho biết: Thầy Tuyền là người tâm huyết với trò. Từ khi nhận công tác tại điểm trường Đek Ta Âu đã đóng góp rất lớn đến việc duy trì sĩ số học sinh, vận động phụ huynh đưa trẻ trong độ tuổi đến với trường, với lớp, góp phần rất lớn vào công cuộc xóa mù chữ của huyện nghèo Kon Plong.
Chia tay thầy trò nơi đỉnh Ngọk Brel khi mặt trời bắt đầu đi ngủ, tiễn chúng tôi với bao lưu luyến. Thầy tâm sự: “Lúc đầu mới lên, thấy cuộc sống khó khăn quá, nhớ vợ, nhớ con nên đôi lúc cũng nhụt ý chí, muốn bỏ việc. Nhưng khi thấy già làng, trẻ nhỏ níu chân, xin ở lại để dạy chữ cho tụi nhỏ, mình lại quên hết những ý định đó. Bây giờ, người dân trong làng xem mình như con, như cháu, tụi nhỏ xem mình như cha nên không đặng đi nữa. Dù biết còn nhiều khó khăn, vất vả và phải hy sinh nhiều nhưng chỉ cần có sức khỏe, mình sẽ tiếp tục gắn bó với các học trò ở đây”.
Quang Thái