Triển khai các nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, tỉnh Quảng Nam tiếp tục đẩy mạnh thực hiện công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 2,87% và tỷ lệ hộ cận nghèo giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước.
Theo đó, Quảng Nam tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo điều hành thực hiện giảm nghèo bền vững; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thực hiện giảm nghèo bền vững; tăng cường công tác quản lý nhà nước; hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế điều hành; thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn nghèo, xã nghèo. Bên cạnh đó, Quảng Nam xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ giảm nghèo bền vững đặc thù của tỉnh để bổ sung vào hệ thống chính sách giảm nghèo của quốc gia, đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Văn Tân cho biết, triển khai Nghị quyết của Đảng về công tác giảm nghèo bền vững, Quảng Nam phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 2,87%; khu vực đồng bằng còn dưới 1,5%, khu vực miền núi còn khoảng 10%; các phường, thị trấn ở các thành phố, thị xã không còn hộ nghèo (trừ hộ nghèo thuộc chính sách bảo trợ xã hội); tỷ lệ nghèo của các huyện nghèo, xã nghèo giảm 3 - 4%/năm; tỷ lệ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm mỗi năm hơn 3%. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ cận nghèo của tỉnh giảm thấp hơn tỷ lệ hộ cận nghèo chung của cả nước…
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 02 ngày 27/4/2016 của Tỉnh ủy Quảng Nam về đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh giảm từ 12,9% năm 2016 xuống còn 5,23% năm 2020, bình quân mỗi năm giảm 1,53%; nhiều xã hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững và ra khỏi danh sách xã nghèo. Bên cạnh đó, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và người dân trong công tác giảm nghèo được nâng lên, nhiều hộ nghèo tự nguyện đăng ký thoát nghèo bền vững…
Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh vẫn còn cao hơn mức bình quân chung của cả nước, nhất là khu vực miền núi, vùng dân tộc thiểu số. Nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhân dân ở một số nơi, nhất là ở các xã miền núi cao về thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững còn hạn chế. Ngoài ra, một số cơ chế, chính sách đề ra trong giai đoạn 2016 - 2020 chưa được xây dựng, ban hành để đáp ứng theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều. Ngoài ra, một số chính sách, dự án hỗ trợ giảm nghèo có mức đầu tư thấp, còn dàn trải, chồng chéo, việc hỗ trợ còn mang tính bình quân; lồng ghép hoạt động giữa chương trình, dự án giảm nghèo với các chương trình, dự án khác thiếu gắn kết, đồng bộ; vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, không muốn thoát nghèo trong một bộ phận hộ nghèo…
Nguyên nhân do điều kiện kinh tế - xã hội của tỉnh còn nhiều khó khăn, nhất là đối với khu vực miền núi; thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra; số lượng hộ nghèo, cận nghèo, thôn, xã và huyện nghèo nhiều... Đồng thời, cấp ủy, chính quyền và người đứng đầu ở một số địa phương chưa phát huy hết vai trò, trách nhiệm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt và đầu tư đúng mức cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là ở các xã miền núi cao. Nhiều chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo mang tính bao cấp, thiếu điều kiện ràng buộc, chậm được tích hợp, hướng dẫn...
Trần Tĩnh