Điệu múa truyền thống của người Cơ tu trong các Lễ hội. Ảnh: Nguyễn Sơn |
Tại hội nghị, các già làng, trưởng bản, người có uy tín và người có vốn am hiểu sâu sắc về văn hóa của từng dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam thừa nhận thực tế là: Số người có vốn hiểu biết về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số ngày càng ít dần, trong khi đó một bộ phận không nhỏ thế hệ trẻ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống của từng dân tộc. Do đó, việc bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã trở nên bức thiết.
Các già làng, trưởng bản kiến nghị: Hiện tại, một số loại hình văn hóa truyền thống đang có nguy cơ mai một. Tiêu biểu là trang phục truyền thống của đồng bào các dân tộc thường chỉ được sử dụng trong các ngày lễ hội; các bộ cồng, trống, chiêng đang dần bị hư hỏng do thời gian; chủ yếu ở những người lớn tuổi mới biết các điệu múa cồng, múa trống, múa chiêng... Ngoài ra, các loại hình dân ca, dân vũ ít được sử dụng, lưu truyền và phổ biến, đặc biệt trong lớp trẻ. Việc truyền dạy di sản trong cộng đồng chưa được quan tâm đúng mức; nhiều phong tục tập quán tốt đẹp liên quan giữa con người với thiên nhiên nhằm hạn chế sự tác động tiêu cực của con người đối với môi trường sinh thái đã bị phai nhạt.
Theo các già làng, trưởng bàn và người có uy tín, nguyên nhân của tình trạng trên là do công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống tuy đã được chú trọng nhưng sự đầu tư còn thấp. Kinh phí phân bổ hàng năm còn hạn hẹp, không đảm bảo cho việc triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy. Cùng với đó, lực lượng Nghệ nhân dân gian - những người nắm giữ di sản ngày càng thiếu vắng, lớp người am hiểu về văn hóa đặc trưng của các dân tộc dần dần mai một, trong khi nhiều di sản không được ghi chép, truyền dạy cho thế hệ sau.
Ông Nguyễn Văn Long, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam cho biết: Ủy ban Mặt Trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Nam ghi nhận và tổng hợp góp ý, phản biện của các già làng, trưởng bản, người có uy tín, đặc biệt là những người có vốn am hiểu sâu sắc về văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số để làm cơ sở khoa học cho quá trình thực hiện việc hỗ trợ bảo tồn, phát huy văn hóa đặc trưng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2019 – 2025.
Theo thống kê, trên địa bàn Quảng Nam hiện có khoảng 130.000 đồng bào dân tộc thiểu số, chiếm gần 9% dân số toàn tỉnh, cư trú chủ yếu tại các huyện Nam Trà My, Bắc Trà My, Hiệp Đức, Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang và Đông Giang.
Đoàn Hữu Trung
TTXVN