Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Bình Mai Văn Minh chia sẻ, tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có từ 3-5 sản phẩm thuộc Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) đạt 5 sao. Để thúc đẩy phát triển sản phẩm OCOP, Sở sẽ chỉ đạo ngành chuyên môn và các địa phương triển khai hiệu quả chương trình hỗ trợ người dân, doanh nghiệp xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp có thế mạnh.
Cùng đó, tỉnh tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ chủ thể hoàn thiện về bao bì, nhãn mác và đầu tư máy móc, thiết bị; hoàn thiện quy trình sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP; đẩy mạnh hỗ trợ chủ thể tham gia các hội chợ, quảng bá sản phẩm OCOP để kết nối với các đơn vị, doanh nghiệp từng bước đưa các sản phẩm OCOP đặc trưng vào các chuỗi các cửa hàng tiện ích, hệ thống siêu thị…
Qua đó, góp phần nâng tầm giá trị cho sản phẩm OCOP tại thị trường nội địa và xuất khẩu, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển theo hướng bền vững - ông Minh cho hay
Thời gian qua, nhiều sản phẩm tham gia Chương trình OCOP đạt tiêu chuẩn 4 sao đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Với mục tiêu nâng hạng, hướng tới thị trường xuất khẩu, các doanh nghiệp, hợp tác xã đang nỗ lực từng ngày.
Theo phân hạng cấp tỉnh, Quảng Bình có 4 sản phẩm đạt OCOP 4 sao gồm: Cá bờm trắng (Hợp tác xã sản xuất, mua bán, chế biến thủy hải sản Vương Đoàn); Cao thìa canh Thanh Bình (Hợp tác xã sản xuất cây dược liệu sạch và Kinh doanh nông nghiệp xã Cự Nẫm): Nước mắm truyền thống Ngọc Biển (Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TH Việt Trung) và Đũa gỗ Quảng Thủy (Hợp tác xã sản xuất, kinh doanh thương mại đũa gỗ Quảng Thủy).
Các sản phẩm được công nhận OCOP 4 sao cấp tỉnh đều được chủ thể quan tâm đầu tư phát triển từ khâu sản xuất đến chế biến, tiêu thụ. Nhiều sản phẩm đã khẳng định được thương hiệu và có chỗ đứng trên thị trường. Tuy nhiên, để đạt được OCOP 5 sao là cả một chặng đường dài, cần nhiều nỗ lực.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Quảng Bình cho biết, thời gian tới, các chủ thể cần đầu tư mở rộng sản xuất, bảo đảm đầu ra sản phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường; tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ, đặc biệt là kết nối với các sàn giao dịch, thương mại điện tử…; xây dựng và hoàn thiện kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm, tiến tới áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến như ISO/HACCP/GMP… để xuất khẩu sản phẩm, hướng tới thị trường ngoài nước.
Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm được công nhân OCOP 4 sao, ngành nông nghiệp cũng chú trọng phát triển những sản phẩm đã được công nhận OCOP để nâng tầm sản phẩm và có chỗ đứng trên thị trường.
Thành lập từ năm 2016, tiền thân của Hợp tác xã Tuấn Linh là hộ sản xuất nấm cá thể truyền thống tại địa phương. Sau khi được hỗ trợ vay vốn tại Ngân hàng Chính sách huyện Bố Trạch và nguồn vốn huy động, Hợp tác xã Tuấn Linh đã khẳng định được vị trí trên thị trường. Sản phẩm nấm Linh Chi Tuấn Linh tham gia chương trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh và được UBND tỉnh Quảng Bình công nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn 4 sao từ năm 2019.
Ông Nguyễn Quốc Hương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh (xã Sơn Lộc, huyện Bố Trạch) cho biết, hợp tác xã tiếp tục hoàn thiện để nâng tầm sản phẩm lên 5 sao trong thời gian tới.
Qua 6 năm hoạt động, đến nay Hợp tác xã sản xuất nấm sạch và kinh doanh nông nghiệp Tuấn Linh đã liên kết với 28 tổ hợp tác và gần 400 hộ trồng nấm bao tiêu toàn bộ đầu ra cho các hộ tham gia liên kết. Từ đó, gia tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho người lao động và nhân dân tại địa phương.
Đức Thọ