Ông Trần Mạnh Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Lai Châu cho biết: “Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” năm 2020 do Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức sẽ diễn ra trong ba ngày (từ ngày 18 - 20/12), với chủ đề “Rực rỡ sắc màu Lai Châu”.
Sự kiện “Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” năm 2020 là cơ hội để quảng bá, tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh về miền đất, con người Lai Châu; các giá trị văn hóa độc đáo, đặc sắc; các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc sản địa phương đến với nhân dân Thủ đô, du khách trong và ngoài nước, hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Đồng thời, sự kiện này còn tạo cơ hội kết nối các nhà đầu tư, doanh nghiệp, công ty lữ hành, đơn vị, cá nhân đến hợp tác phát triển sản phẩm nông sản, ẩm thực, văn hóa, du lịch Lai Châu, góp phần mở rộng thị trường khách du lịch; đẩy mạnh kích cầu du lịch, tạo mối liên kết phát triển du lịch bền vững giữa các tỉnh khu vực Tây Bắc, hình thành chuỗi cung ứng sản phẩm du lịch chất lượng độc đáo, hấp dẫn và thân thiện. Việc tổ chức “Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” còn là hoạt động tuyên truyền quảng bá Tuần Du lịch - Văn hóa Lai Châu lần thứ II, năm 2020 và hoạt động cho ngành Du lịch của tỉnh.
“Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” được tổ chức tại khu vực không gian Nhà Bát Giác, phố đi bộ và bờ hồ Hoàn Kiếm, bao gồm các hoạt động: Hội thảo “Định hướng liên kết phát triển du lịch Lai Châu - Hà Nội”; khai mạc sự kiện “Ngày Văn hóa Lai Châu tại Hà Nội” năm 2020 và lễ hội đường phố; trưng bày, giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của tỉnh Lai Châu với hơn 20 gian hàng giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP, nông sản, đặc sản địa phương và trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian Lai Châu…
Trong đó, hoạt động trải nghiệm văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian Lai Châu sẽ có một số nội dung như: Tái hiện không gian văn hóa các dân tộc Thái, Mông, Lự…; trình diễn văn nghệ dân gian; trình diễn nghề thủ công truyền thống: nghề dệt dân tộc Lự, chế tác và sử dụng đàn tính dân tộc Thái, kỹ thuật tạo hoa văn trên vải của người Mông; trải nghiệm các trò chơi dân gian: ném pao, tó má lẹ, én cáy, rồng ấp trứng… và thưởng thức ẩm thực dân tộc đã được chế biến sẵn như xôi tím, khẩu xén, thịt sấy, bánh bỏng…
Để sự kiện đạt hiệu quả cao, Ủy ban nhân dân tỉnh Lai Châu yêu cầu các sở, ban, ngành, đơn vị liên quan chuẩn bị tốt kịch bản và các hoạt động diễn ra trong sự kiện. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan lựa chọn các nghệ nhân, diễn viên tham gia trình diễn văn nghệ, nghề thủ công; lựa chọn sản phẩm nông sản và tổ chức triển lãm ảnh về miền đất con người Lai Châu; đồng thời, đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng bá cho sự kiện.
Đinh Thùy