Quản lý sức khỏe cây trồng trên lúa tăng lợi nhuận từ 6-7 triệu đồng/ha

Trong vụ Hè Thu 2024, nông dân Tiền Giang gieo sạ gần 43.000 ha. Đến đầu tháng 10/2024, nông dân địa phương đã thu hoạch được trên 15.000 ha, năng suất bình quân đạt 58,5 tạ/ha và sản lượng trên 89.000 tấn lúa.

TienGiangmohinhIPHM.jpg
Tham quan mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa” tại xã Tân Trung (thành phố Gò Công, tỉnh Tiền GIang). Ảnh: tiengiang.gov.vn

Hiện nay, nông dân trong tỉnh đang khẩn trương thu hoạch an toàn và dứt điểm trà lúa vụ Hè Thu, chủ động phòng tránh thiên tai, mưa lũ gây hại. Để đảm bảo hiệu quả sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân, trong vụ Hè Thu 2024, tỉnh quan tâm ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ nhằm tăng năng năng suất, sản lượng và chất lượng hạt lúa hàng hóa; tăng khả năng cạnh tranh của nông sản chủ lực trên thị trường.

Tiền Giang khuyến khích nông dân chú trọng chuyển đổi về giống, sử dụng phổ biến các giống lúa chất lượng cao, được ưa chuộng trên thị trường như: VD20, Đài Thơm 8, Nàng Hoa 9, ST 24, ST 25... Hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao trên quy mô toàn vùng tùy theo địa bàn sinh thái; trọng điểm là các huyện: Gò Công Đông, Gò Công Tây và thành phố Gò Công phía Đông tỉnh và các huyện vùng kiểm soát lũ phía Tây như: Cai Lậy, Cái Bè, Châu Thành,...

Ngành chức năng khuyến cáo nông dân áp dụng tốt và đồng bộ các biện pháp quản lý sâu bệnh gây hại gắn với chuyển giao khoa học kỹ thuật trong quá trình thâm canh để đạt hiệu quả sản xuất cao như: IPM, 3 giảm 3 tăng, sản xuất theo hướng GAP, trồng lúa theo hướng hữu cơ, cơ giới hóa trong quá trình sản xuất cũng như quản lý hiệu quả dịch hại trên cây trồng trong vụ Hè Thu.

Đầu vụ sản xuất, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đã tập huấn hướng dẫn "Quy trình kỹ thuật sản xuất lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long" cho hàng trăm cán bộ kỹ thuật nông nghiệp các địa phương trong vùng nhằm tuyên truyền, hướng dẫn và chuyển giao cho nông dân áp dụng trong quá trình canh tác. Từ đó, nâng cao hiệu quả trồng lúa, ổn định cuộc sống thông qua những việc làm thiết thực như: tận dụng và tái sử dụng phụ phẩm rơm rạ đúng kỹ thuật,…

TienGiangtaphuan.jpg
Quang cảnh buổi tập huấn mô hình “Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa” tại nhà văn hóa xã Tân Trung (thành phố Gò Công, tỉnh Tiền GIang). Ảnh: tiengiang.gov.vn

Mặt khác, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp cùng các cấp, ngành như: Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam và các địa phương xây dựng và nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả cao, giúp nông dân cập nhật kiến thức mới, nâng cao trình độ canh tác. Điển hình như mô hình "Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) trên cây lúa" do Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam phối hợp với ngành Nông nghiệp xã Tân Trung, thành phố Gò Công thực hiện. Hoặc mô hình "Canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu" do Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ nông nghiệp tỉnh Tiền Giang phối hợp với các doanh nghiệp triển khai thực hiện ở huyện Gò Công Đông và huyện Gò Công Tây mang lại hiệu quả vượt trội so với canh tác lúa truyền thống trước đây.

Theo đánh giá cuối vụ, các mô hình trên giúp tăng thêm lợi nhuận từ 6-7 triệu đồng/ha nhờ giảm được tối đa chi phí. Cụ thể giảm được 30% lượng giống, giảm từ 25-30% lượng phân bón, không tốn chi phí phun thuốc sâu rầy ở 40 ngày sau khi sạ và sử dụng máy gieo sạ kết hợp với vùi phân nên giảm được công lao động...

Đồng thời, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang cũng hỗ trợ các địa phương thực hiện 2 mô hình canh tác lúa thông minh, giảm phát thải trong vụ Hè Thu 2024 tại xã Yên Luông (Gò Công Tây) và xã Kiểng Phước (Gò Công Đông)…

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang, trong vụ Hè Thu 2024, việc chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp đổi mới nghề trồng lúa ở Tiền Giang. Theo đó, nông dân ứng dụng các biện pháp thâm canh theo "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm" đạt khoảng 93% diện tích canh tác, gieo sạ theo lịch thời vụ đồng loạt né rầy đạt trên 90% diện tích, 100% diện tích sử dụng giống nguyên chủng hoặc xác nhận…

Ngoài ra, cơ giới hóa khâu làm đất đạt 100% diện tích, cơ giới hóa trong và sau thu hoạch đạt 100% diện tích. Đây là những nhân tố tích cực giúp cho tỉnh chủ động sản xuất và thu hoạch nhanh gọn, ăn chắc, phòng tránh thiên tai mưa lũ gây hại nói chung và trong vụ Hè Thu 2024 nói riêng.

Hiện nay, lúa đang có giá. Giá lúa thương lái thu mua bình quân từ 9.800-11.000 đồng/kg, tùy loại. Nông dân sau khi trừ chi phí còn lãi ròng khoảng 34 triệu đồng/ha, cao hơn cùng kỳ năm trước khoảng 590.000 đồng/kg đồng thời giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.

Minh Trí

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm