Phú Yên ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm

Phú Yên ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm

Sáng 26/9, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Phú Yên tổ chức hội thảo chuyên đề “Ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm trong sản xuất nông nghiệp”. Hơn 200 nông dân trên địa bàn tỉnh tham dự hội thảo.

Phú Yên ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm ảnh 1Máy kéo Kubota của Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông Ngư Cơ Ngọc Thanh thu hút sự chú ý của nhiều nông dân. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Trong những năm qua, tỉnh Phú Yên đã xây dựng nhiều dự án, mô hình và đưa vào áp dụng cơ giới hóa, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm cho nông dân trên địa bàn. Trong đó có các mô hình cơ giới: máy làm đất đa năng; máy phun 3 trong 1, xới đất, phát cỏ; công cụ gieo hạt cho cây trồng cạn; máy cuốn rơm cho cây lúa; máy tuốt hạt đậu phộng (lạc); tưới nhỏ giọt quấn gốc cho cây ăn quả, tưới nhỏ giọt theo hàng cho cây công nghiệp; tưới nước cho cây mía bằng biện pháp tưới phun mưa…

Trong năm 2021, toàn tỉnh Phú Yên sử dụng 224.505 máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, mức độ cơ giới hóa các khâu trong sản xuất các loại cây nông nghiệp và công nghiệp đạt tỷ lệ từ 50-90%, tỷ lệ diện tích sản xuất nông nghiệp được áp dụng tưới nước tiên tiến, tiết kiệm đạt 37,82%, tương đương trên 54.000 ha.

Việc tích cực đầu tư, hỗ trợ, ứng dụng cơ giới hóa, tưới nước tiên tiến, tiết kiệm vào sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là các loại cây trồng chủ lực của tỉnh Phú Yên như lúa, mía và sắn đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, chất lượng và giảm bớt sức lao động của người nông dân.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Trung tâm Khuyên nông tỉnh Phú Yên, mức độ ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa đồng bộ và phát triển toàn diện. Các mô hình cơ giới hóa tập trung chủ yếu ở khâu làm đất, vận chuyển và thu hoạch ở một số cây trồng chính như lúa, ngô và lạc. Các khâu gieo trồng, chăm sóc, thu hoạch cây công nghiệp như: mía, sắn, cà phê và các khâu sấy, xay xát chế biến lúa gạo có mức độ cơ giới hóa còn rất thấp.

Phú Yên ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm ảnh 2Máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu của Tập đoàn Lộc Trời - Chi nhánh An Giang tại Phú Yên ra mắt tại hội thảo. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ngoài ra, thông tin về cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư hệ thống tưới chưa đến được với đa số người nông dân trên địa bàn tỉnh Phú Yên. Mặc khác, nông dân chưa thấy được lợi ích của việc tưới tiên tiến, tiết kiệm và chi phí đầu tư hệ thống còn cao nên việc nhân rộng gặp nhiều khó khăn.

Nông dân tham dự hội thảo đã kiến nghị một số nội dung như: cần đầu tư, áp một số máy móc sử dụng hiệu quả trên những cánh đồng nhỏ lẻ, manh mún; nhiều diện tích đất cằn cỗi khó ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm; đầu tư phát triển giao thông nội đồng để dễ dàng áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; đẩy mạnh dồn điền đổi thửa, hỗ trợ vốn vay để mua sắm trang thiết bị hiện đại…

Nông dân Đặng Ngọc Trai, thị trấn Chí Thạnh, huyện Tuy An (Phú Yên) cho biết, ông có 2.000 m2 đất trồng lúa nhưng các thửa ruộng chia nhỏ ở nhiều vị trí khác nhau. Vì thế việc ứng dụng cơ giới hóa gặp nhiều khó khăn. Hiện ông Trai chỉ ứng dụng cơ giới hóa trong khâu làm đất và thu hoạch. Các khâu còn lại đều phải thực hiện theo phương pháp thủ công truyền thống, mất nhiều thời gian và công sức. Khi tham dự hội thảo lần này, ông Trai quan tâm đến máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu. Nếu hệ thống này ứng dụng tại địa phương sẽ giúp ông và nhiều nông dân trong khâu phun thuốc trừ sâu, giảm sức lao động và đặc biệt là đảm bảo sức khỏe, bảo vệ môi trường.

Nhiều lãnh đạo một số địa phương và cơ quan chuyên môn tham dự hội thảo cũng đề xuất cần phân bổ nguồn vốn cho các hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình vay để mua sắm máy móc, thiết bị để ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; các doanh nghiệp quan tâm đầu tư liên doanh, liên kết với các hợp tác xã nông nghiệp để triển khai các mô hình sử dụng máy móc, thiết bị mới để tăng năng suất, chất lượng.

Phú Yên ứng dụng cơ giới hóa và tưới nước tiết kiệm ảnh 3Đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ tưới Khang Thịnh giới thiệu hệ thống tưới nhỏ giọt để nông dân ứng dụng trong sản xuất. Ảnh: Tường Quân - TTXVN

Ông Nguyễn Trọng Hùng, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tuy An (Phú Yên) kiến nghị, nông dân còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn hỗ trợ để mua máy móc, thiết bị theo các chính sách, quy định của nhà nước. Do vậy, trong thời gian tới, địa phương khuyến khích các hợp tác xã nông nghiệp, hộ gia đình tận dụng mọi nguồn vốn để đầu tư mua các loại máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất. Cơ quan chuyên môn của huyện sẽ là trung tâm, cầu nối để các hộ gia đình tiếp cận cơ chế, chính sách, nguồn vốn đầu tư, mua sắm trang thiết bị hiện đại.

Tại hội thảo, nông dân tỉnh Phú Yên cũng được giới thiệu, tiếp cận một số mô hình, máy móc, thiết bị mới nhằm ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp như: máy bay không người lái phun thuốc trừ sâu; máy gặt, máy kéo ; hệ thống tưới nhỏ giọt...

Tường Quân

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm