Đóng tàu cá vỏ composite tại Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy, Trường Đại học Nha Trang. Ảnh: Nguyên Lý - TTXVN |
Hiện ngư dân đóng 1 tàu cá vỏ thép và 2 tàu cá vỏ composite; dự kiến sẽ hạ thủy vào cuối năm nay. Ngoài ra, ngư dân Phú Yên được nhà nước hỗ trợ từ ngân sách gần 16 tỷ đồng để chi trả bảo hiểm cho thân tàu và hàng nghìn thuyền viên. Đánh giá của Chi cục Thủy sản Phú Yên cho thấy, hầu hết tàu cá sau khi hạ thủy đi vào hoạt động thường xuyên bám biển và đạt hiệu quả. Các tàu hành nghề mành chụp sản lượng khai thác mỗi chuyến biển đạt 10 - 15 tấn, chủ yếu là mực xà, cá ngừ nhỏ và cá nục. Những tàu hành nghề lưới vây sản lượng khai thác mỗi chuyến biển từ 30 tấn trở lên, chủ yếu là cá ngừ sọc dưa, cá nục và cá ngừ nhỏ. Trong quá trình hoạt động có 3 tàu vỏ thép của ngư dân bị sự cố, được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ông Trần Hữu Thế trực tiếp tổ chức đối thoại giữa ngư dân và doanh nghiệp đóng tàu khắc phục 2 trong số 3 tàu vỏ thép. Riêng tàu cá vỏ thép của ngư dân Phan Thanh Trị (phường Phú Đông, thành phố Tuy Hòa) đang xử lý sự cố. Đồng thời, trong quá trình hành nghề trên biển do ròng rọc trên tàu bị đứt nên ông Trị bị tai nạn gây hỏng một mắt nên tàu hoạt động chưa đem lại hiệu quả. Ngoài ra, tàu cá của ngư dân Ngô Văn Lanh (thị xã Sông Cầu) là tàu vỏ thép được đóng mới đầu tiên ở Phú Yên theo Nghị định 67 hành nghề mành chụp. Tuy nhiên, từ đầu năm nay, ông Ngô Văn Lanh đột ngột qua đời nên việc thừa kế tài sản và tổ chức sản xuất, quản lý tài chính gặp khó khăn, dẫn đến thời điểm cuối tháng 7, ông Lanh chưa trả được nợ gốc quá hạn và lãi quá hạn cho ngân hàng hơn 774 triệu đồng.
Đây là tàu vỏ thép đầu tiên của tỉnh Phú Yên được ngư dân đóng mới theo Nghị định 67 của Chính phủ . Ảnh : Thế Lập
|
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu tỉnh Phú Yên đề ra sẽ đóng mới 165 tàu cá nhưng đến cuối năm nay chỉ thực hiện được 19 tàu là quá thấp; chưa có ngư dân đăng ký vay vốn đóng mới tàu dịch vụ hậu cần nghề cá. Ông Phan Thuẫn, Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá phường 6 (thành phố Tuy Hòa) cho biết, hai nguyên nhân chính là ngư dân không đáp ứng về vốn đối ứng nên có tới 51 hồ sơ đăng ký đóng mới và nâng cấp tàu cá bị các ngân hàng thương mại không ký hợp đồng tín dụng cho vay vốn; chi phí đóng mới một tàu cá ít nhất 16 tỷ đồng trở lên là khá cao so với thu nhập của ngư dân. Ông Nguyễn Tri Phương cho biết thêm, trong điều kiện khó vay vốn từ ngân hàng, nhiều ngư dân chuyển sang đóng tàu vỏ gỗ và trang bị máy đã qua sử dụng để hành nghề vùng biển xa. Đến nay, bằng nguồn vốn tự có, ngư dân tỉnh Phú Yên đóng mới 53 tàu và cải hoán 223 tàu công suất từ 400 mã lực trở lên. Ngoài ra, Công ty Bảo Minh Phú Yên là doanh nghiệp được chỉ định tham gia thực hiện chính sách bảo hiểm theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Phú Yên nhưng từ đầu năm đến ngày 25/8/2017 doanh nghiệp này đã không thực hiện nên ảnh hưởng lớn đến hoạt động hành nghề của ngư dân. Ông Trần Ngọc Nhạn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Phú Yên cho biết, những rủi ro tổn thất trong quá trình sản xuất nếu tàu cá của ngư dân không được tham gia bảo hiểm sẽ thiệt hại lớn cho chủ tàu; khả năng trả nợ vay của ngư dân sẽ khó thực hiện. Mới đây, tại cuộc họp bàn giải quyết những vướng mắc theo Nghị định 67 của Chính phủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên ông Trần Hữu Thế yêu cầu chính quyền các cấp, ngành tiếp tục tuyên truyền, vận động ngư dân có năng lực tham gia vay vốn đóng tàu khai thác xa bờ. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sớm tổ chức lớp đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng, đào tạo vận hành tàu cá vỏ thép và vỏ vật liệu mới cho ngư dân. Yêu cầu Ban chỉ đạo thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của tỉnh điều tra, tổng hợp vướng mắc cụ thể của ngư dân, những phát sinh rủi ro bất khả kháng trong quá trình vận hành tàu cá để UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm hướng dẫn cơ chế xử lý, cơ cấu lại nợ cho ngư dân chưa có điều kiệu trả vốn và lãi vay theo định kỳ.
Thế Lập