Sản phẩm du lịch còn hạn chế
Một trong những tiềm năng để phát triển du lịch ở Phú Yên là tỉnh có bờ biển dài 190 km, với những ngọn núi cao của dãy Trường Sơn nối tiếp nhau "chồm" ra biển, tạo nên những đầm, vịnh mang vẻ đẹp hoang sơ, kỳ thú, trong đó có vịnh Xuân Đài, đầm Cù Mông, gành Đá Đĩa, đầm Ô Loan…
Tỉnh Phú Yên hiện có 130 cơ sở kinh doanh lưu trú du lịch với 2.660 buồng, trong đó có 500 buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 đến 5 sao. Tỉnh cũng đã công bố biểu trưng du lịch với tiêu đề: “Du lịch Phú Yên - Hấp dẫn và thân thiện”; tổ chức và tham gia các hội nghị xúc tiến, hội chợ, triển lãm du lịch trong và ngoài nước; phát hành các ấn phẩm du lịch, quảng bá trên website du lịch Phú Yên, các phương tiện thông tin... Nhờ vậy, đến nay đã có 28 dự án du lịch trong và ngoài nước sử dụng vốn ngoài ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh với tổng mức đầu tư đăng ký là 45.935 tỷ đồng; trong đó có 8 dự án đã đi vào hoạt động từng phần.
Gành Đá Đĩa là địa chỉ được nhiều du khách ghé thăm khi đến với Phú Yên.
|
Nhưng bên cạnh những tín hiệu khả quan, ngành du lịch Phú Yên còn bộc lộ những hạn chế như: Kết cấu hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, đặc biệt là hạ tầng giao thông. Công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích, danh thắng chưa hiệu quả. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, thiếu các sản phẩm du lịch mang tính đặc trưng. Hoạt động dịch vụ tại các điểm đến còn kém. Nguồn nhân lực du lịch còn thiếu và yếu, trong khi một số doanh nghiệp lĩnh vực du lịch chưa chú trọng đến công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực...
Ông Phan Đình Phùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, cho biết: Những sản phẩm du lịch của tỉnh còn rất hạn chế. Nguồn nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch thiếu tính chuyên nghiệp; phần lớn chưa được đào tạo bài bản. Bên cạnh đó, công tác xúc tiến, quảng bá du lịch còn rất hạn chế, một phần là khó khăn về kinh phí, chưa huy động được nguồn lực từ các doanh nghiệp.
Ngoài những tồn tại trên, UBND tỉnh Phú Yên cũng thừa nhận còn do khâu thẩm định năng lực các nhà đầu tư về du lịch chưa chặt chẽ, dẫn đến nhiều dự án chậm triển khai hoặc không triển khai, ảnh hưởng đến những nhà đầu tư tiềm năng khác muốn đầu tư.
Phấn đấu thành ngành mũi nhọn
Ông Phan Đình Phùng nhấn mạnh, tỉnh quyết liệt rà soát lại và ủng hộ những dự án đủ năng lực, nhà đầu tư quyết tâm, để dự án sớm hoàn thành. Đối với những dự án kéo dài vì lý do không chính đáng, tỉnh sẽ quyết liệt xử lý và thu hồi để kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư mới có quyết tâm, có năng lực thật sự đầu tư vào lĩnh vực du lịch của Phú Yên.
Năm 2015, gần 900.000 lượt du khách đã đến Phú Yên, trong đó khách quốc tế đạt hơn 45.000 lượt; doanh thu du lịch đạt hơn 850 tỷ đồng. Riêng trong tháng 8 vừa qua, toàn tỉnh đón gần 115.790 lượt du khách, tăng 47% so với tháng 8 năm 2015, trong đó gần 2.000 lượt khách quốc tế, doanh thu từ du lịch đạt 267 tỷ đồng. |
Tỉnh Phú Yên đã ban hành Chương trình hành động với mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh Phú Yên phấn đấu thu hút 7 triệu lượt khách du lịch, trong đó có khoảng 1 triệu lượt khách quốc tế. Riêng năm 2020 đón hơn 2 triệu lượt khách với doanh thu khoảng 3.100 tỷ đồng.
Theo ông Lê Hoàng Thanh Tùng, Giám đốc Công ty du lịch Tuy Hòa, muốn thu hút du khách, Phú Yên cần có kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực ngành du lịch. Hiện tỉnh chỉ mới tập trung vào du lịch biển nhưng cơ sở hạ tầng hầu như chưa có gì; những khu vui chơi, khu nghỉ dưỡng trên biển chưa nhiều... Ngoài ra, muốn phát triển du lịch bền vững, cũng cần tạo được thị trường du khách ổn định.
Gần đây nhất, trong chuyến về thăm làm việc tại tỉnh Phú Yên, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra một số tồn tại, yếu kém trong phát triển du lịch của Phú Yên; đồng thời định hướng để ngành công nghiệp không khói này thật sự phát triển bền vững, tương xứng với tiềm năng, lợi thế sẵn có ở địa phương. Thủ tướng lưu ý địa phương phải làm tốt việc xây dựng thương hiệu, không ngừng hoàn thiện thể chế, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thủ tướng cũng đề nghị tỉnh Phú Yên dành những khu đất đẹp cho phát triển du lịch, làm tốt công tác quy hoạch, kết nối hài hòa các yếu tố văn hóa, môi trường, đào tạo nguồn nhân lực phục vụ du lịch; tăng cường liên kết vùng về du lịch theo phương châm đôi bên cùng có lợi...