Phú Yên đầu tư 430 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu mía

Người dân  chuẩn bị mía giống để trồng. Ảnh: Quang Cường – TTXVN.
Người dân chuẩn bị mía giống để trồng. Ảnh: Quang Cường – TTXVN.

Nông dân trồng mía tỉnh Phú Yên đang bước vào vụ thu hoạch mới niên vụ 2023-2024 với niềm vui được mùa, được giá. Có được những thành quả này là nhờ sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà máy với nhà nông trong đầu tư phát triển vùng nguyên liệu năng suất cao và bền vững.

Phú Yên đầu tư 430 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu mía ảnh 1Nhờ liên kết với các nhà máy đường nên nông dân tỉnh Phú Yên không lo đầu ra sản phẩm mía nguyên liệu. Ảnh: Tường Quân – TTXVN

Để nâng cao năng suất và ổn định vùng nguyên liệu mía cho sản xuất vụ ép 2023-2024, nhà máy đường KCP (Công ty TNHH công nghiệp KCP Việt Nam, gọi tắt là KCP) đã đầu tư 430 tỷ đồng cho vùng nguyên liệu với diện tích 23.000ha và đãi ngộ cho bà con nông dân các huyện Sơn Hòa, Sông Hinh, Đồng Xuân... với kinh phí ước tính khoảng 60 tỷ đồng.

Ông Ngô Tấn Thích, nông dân thôn Thạnh Hội, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa chia sẻ: gia đình ông canh tác mía với diện tích khoảng 9ha và ký hợp đồng với nhà máy đường KCP từ năm 2001. Trong canh tác mía, gia đình nhận được sự đầu tư từ nhà máy như máy bơm dầu để trồng mía có tưới và các chính sách hỗ trợ không hoàn lại về giống, phân bón... Nhờ đó, cây mía duy trì năng suất ở mức trên 80 tấn/ha, đời sống kinh tế gia đình cải thiện rất nhiều. Sắp tới, gia đình tiếp tục đăng ký nhận đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt từ nhà máy KCP để nâng cao năng suất, chất lượng cây mía.

Vụ mía 2023-2024, nhà máy đường KCP thu mua mía nguyên liệu của nông dân với giá 1,33 triệu đồng/tấn mía tại ruộng khi đạt chữ đường 10 CCS. Dự kiến hai nhà máy tại huyện Sơn Hòa và Đồng Xuân sẽ ép khoảng 1,3 triệu tấn mía cây, sản xuất 130.000 tấn đường và đưa lên lưới điện khoảng 100 triệu KW/h điện sinh khối.

Ông K.V.S.R. Subbaiah, Tổng Giám đốc KCP Việt Nam cho biết: nhà máy KCP đã đầu tư, ứng dụng những công nghệ tiên tiến, hiện đại vào các dự án và vươn lên tốp đầu trong ngành công nghiệp mía đường Việt Nam về sản lượng, chất lượng, uy tín, hiệu quả trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Liên tiếp 3 vụ ép vừa qua, nông dân trồng mía của tỉnh Phú Yên đã hưởng lợi trên 104 tỷ đồng thông qua các chính sách hỗ trợ không hoàn lại cho mía trồng mới, hệ thống tưới tiêu, hỗ trợ lãi suất...

Ngoài ra, KCP còn phối hợp Viện Nghiên cứu mía đường Bến Cát khảo nghiệm và nhân rộng các giống mía mới; có kế hoạch tập huấn cho 3.000 lượt nông dân/năm để cập nhật kỹ thuật canh tác mía mới nhất.

Nhà máy đường KCP thời gian qua đã tạo nguồn thu nhập chính cho khoảng 10.000 hộ nông dân và 700 lao động trực tiếp; mang lại lợi ích gián tiếp cho hàng nghìn hộ nông dân làm dịch vụ nông nghiệp, vận chuyển,...

Theo ông Lê Tấn Hổ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên, nhà máy đường KCP cần duy trì các giải pháp để ổn định, phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng vùng nguyên liệu; nghiên cứu bổ sung các giống mía mới chịu hạn, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số trong nông nghiệp... KCP nghiên cứu, tiếp cận nhiều nguồn phân bón có chất lượng từ các thương hiệu uy tín trong nước để giảm chi phí canh tác, nâng cao năng suất, chất lượng cây mía, đáp ứng yêu cầu tăng năng suất bình quân từ 75-85 tấn/ha theo Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh; phối hợp với địa phương duy trì thực hiện nhiều hơn chính sách an sinh xã hội, đặc biệt là khu vực miền núi.

Cùng với đó, KCP đẩy nhanh tiến độ đầu tư nhà máy sản xuất Ethanol nhằm tận dụng các phụ phẩm, đa dạng hoá sản phẩm theo hướng bền vững, hiệu quả, thân thiện với môi trường; tiếp tục đầu tư, nâng công suất các nhà máy đường.

Xuân Triệu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm