Tắm suối, bắt cua, bắt ốc đá, đốt lửa trại, ngủ nhà sàn, thưởng thức ẩm thực địa phương và hòa mình vào không gian văn hóa của người Mường, người Dao là những hoạt động được tổ chức trong dịp nghỉ lễ 2/9 tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, Phú Thọ.
Đa dạng hoạt động
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ, dịp nghỉ lễ 2/9, Sở sẽ tổ chức chương trình giao lưu văn hóa và trưng bày, giới thiệu ẩm thực, du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, huyện Tân Sơn. Chương trình được khai mạc vào 9 giờ sáng 31/8, tại sân khấu Nhà Văn hóa bản Dù, xã Xuân Sơn.
Trong suốt các ngày sau đó, tại đây sẽ có các chuỗi hoạt động như: Trưng bày ảnh đẹp du lịch và văn hóa của các dân tộc huyện Tân Sơn; trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm ẩm thực, du lịch địa phương, sản phẩm OCOP; giao lưu ẩm thực du lịch cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn.
Đặc biệt, tại buổi khai mạc, sẽ diễn ra cuộc thi nấu mâm cỗ lá của dân tộc Mường, Dao phục vụ khách du lịch. Các món ăn sẽ mời thực khách thưởng thức miễn phí vào sáng 31/8 và cùng giao lưu văn hóa, văn nghệ đồng bào dân tộc Dao, Mường. Đến tối 1/9, du khách sẽ tham gia nhiều hoạt động như giao lưu văn nghệ lửa trại với các tiết mục đặc sắc của đồng bào dân tộc nơi đây.
Đến với Vườn Quốc gia Xuân Sơn, du khách còn có thể tham quan bản Dù; tắm suối bản Cỏi, hang Na, thác Ngọc; cafe suối; bắt cua, ốc đá; ngủ nhà sàn...
Bà Phùng Thị Hoa Lê, Trưởng phòng Quản lý Du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, đây là một trong những hoạt động đặc sắc trong dịp nghỉ Lễ Quốc khánh 2/9, góp phần quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch độc đáo tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn đến đông đảo du khách trong nước và quốc tế. Chương trình với nhiều hoạt động sôi nổi, hấp dẫn hứa hẹn mang đến cho du khách và nhân dân những trải nghiệm thú vị, độc đáo.
Bà Lê cho biết, hiện nay nhiều hộ dân là người dân tộc Dao, Mường tại các bản Cỏi, bản Dù, bản Lấp đã mạnh dạn đầu tư làm du lịch cộng đồng thu hút lượng đông khách du lịch. Mô hình du lịch cộng đồng ở Xuân Sơn đang có xu hướng phát triển. Nhiều bản làng có những cảnh đẹp, những nét đặc trưng văn hóa của đồng bào dân tộc với hình ảnh cọn nước, nhà sàn truyền thống gắn liền không gian văn hóa của đồng bào dân tộc tại các hộ dân được lựa chọn đầu tư xây dựng mô hình du lịch cộng đồng.
Trên địa bàn xã Xuân Sơn hiện có hơn 10 hộ tham gia kinh doanh homestay, với khả năng phục vụ 300 khách/đêm. Mô hình du lịch cộng đồng homestay tại xã đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm. Các hộ tham gia làm du lịch cộng đồng đều được tập huấn cách phục vụ, nấu ăn, tiếp đón khách du lịch. Du lịch cộng đồng ở xã Xuân Sơn đang mang lại lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân, đặc biệt giúp đồng bào Dao, Mường sinh sống trong khu vực Vườn quốc gia bảo tồn nét văn hóa truyền thống qua các hoạt động trải nghiệm.
Sẵn sàng đón khách dịp nghỉ lễ, các chủ homestay tại xã Xuân Sơn đã chỉnh tranh khuôn viên, tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp để đón du khách và chuẩn bị các món ăn đặc sản của đồng bào cùng với nhiều tiết mục biểu diễn văn nghệ, đốt lửa trại để thu hút du khách. Đến Xuân Sơn dịp này du khách sẽ được trải nghiệm đầy đủ cuộc sống của đồng bào Mường, Dao và thưởng thức các món ăn đặc sản cùng nhiều dịch vụ kèm theo.
Khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch
Vườn Quốc gia Xuân Sơn có diện tích rộng hơn 15.000 ha, với độ che phủ rừng lên tới 84%, chất lượng các hệ sinh thái rừng ổn định và được bảo vệ tốt. Đặc biệt, một ngày ở Xuân Sơn, thời tiết có nét đặc trưng của 4 mùa.
Do quá trình phong hóa, thủy hóa tạo thành, Xuân Sơn có 16 hang động đá với thạch nhũ đẹp, đa dạng, tạo nên muôn hình vạn trạng. Vào thăm hang động ở đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước vẻ đẹp của các nhũ đá rủ xuống thành muôn hình kỳ lạ.
Bên cạnh Vườn Quốc gia Xuân Sơn, du khách khi đến Tân Sơn còn có cơ hội tìm hiểu bản sắc văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số, thưởng thức đặc sản như: Lợn lửng, gà chín cựa, thịt chua, lúa nếp thơm vùng lòng chảo Xuân Đài, Kim Thượng, khoai tầng, chuối phấn vàng...
Đến Xuân Sơn, du khách còn được trải nghiệm hoạt động sản xuất của người dân địa phương như đan lát, dệt thổ cẩm, ủ men nấu rượu, bắt cá suối, hái lá thuốc tắm, chế biến các món ăn miền sơn cước, tham gia sinh hoạt văn hóa như đâm đuống, múa xòe, nhảy sạp… mang lại những trải nghiệm thú vị nhất cho du khách.
Nhất là vào khoảng tháng 10 đến tháng 12, du khách sẽ được ngắm nhìn hoa trạng nguyên nở rộ và khoe sắc rực rỡ nhất. Hầu như các xóm ở Xuân Sơn đều có hoa này. Hoa trạng nguyên mọc quanh co theo những con đường tạo nên một khung cảnh rất đẹp mắt.Ông Nguyễn Đắc Thủy, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Thọ cho biết, để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, những năm gần đây, Sở đã trang bị kỹ năng, kiến thức về du lịch phục vụ khách cho các hộ gia đình tham gia mô hình du lịch cộng đồng homestay. Tại Vườn Quốc gia Xuân Sơn, tỉnh cũng đầu tư hệ thống biển tên, biển chỉ dẫn phục vụ hoạt động du lịch cộng đồng và xây dựng nhà văn hóa cộng đồng người Dao, Mường gắn với trung tâm đón tiếp, quản lý điều phối hoạt động du lịch cộng đồng, tổ chức sự kiện.
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ xây dựng thêm sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch trải nghiệm và giáo dục môi trường sinh thái với các hoạt động cắm trại, hòa mình vào thiên nhiên, cùng tham gia sản xuất nông nghiệp; nghiên cứu xây dựng khu vườn sưu tầm và lưu giữ các nguồn gen thực vật quý, giống hoa lan bản địa, lựa chọn nhân trồng đại trà một số loài cây ra hoa theo mùa, tạo cảnh quan đẹp quanh năm; xây dựng mô hình hoa cây cảnh thể hiện biểu trưng của Vườn Quốc gia Xuân Sơn, phục vụ khách tham quan chụp ảnh lưu niệm...
Phấn đấu đến năm 2025, tỉnh sẽ hình thành điểm đến du lịch sinh thái cộng đồng Vườn Quốc gia Xuân Sơn đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ với sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng dịch vụ và chất lượng phục vụ khách chuyên nghiệp, tạo sức hút đối với du khách...
Đại Lâm