Phú Thọ đẩy mạnh xây dựng và quản lý mã số vùng trồng

Thời gian qua, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh xây dựng và quản lý mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói nhằm hướng tới nền nông nghiệp minh bạch, chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

buoidoanhung.jpg
Hiện bưởi Đoan Hùng đã được cấp sáu mã số vùng trồng. Ảnh: baophutho.vn

Tăng lợi ích từ mã số vùng trồng

Những năm gần đây, nhiều vùng trồng rau, chè, bưởi, chuối, rau, cam, nho, thanh long, đu đủ, dưa lê… trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được cấp mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói đã giúp mở rộng thị trường tiêu thụ. Một số sản phẩm chủ lực như chuối, bưởi đã tham gia xuất khẩu.

Ông Nguyễn Mạnh Thắng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Nông, xã Dân Quyền, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho biết, Hợp tác xã nông nghiệp Thượng Nông là một trong những đơn vị đầu tiên được cấp mã số vùng trồng chuối tại Phú Thọ.

Hiện tại, diện tích trồng chuối của Hợp tác xã hơn 30 ha, năng suất bình quân đạt hơn 1.200 tấn/năm. Những năm trước, khi chưa được cấp mã số vùng trồng, sản phẩm chuối của hợp tác xã xuất khẩu rất ít. Nhờ được cấp mã số vùng trồng, việc xuất khẩu chuối được thuận lợi và nhiều hơn; trong đó, thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc.

Ông Hà Văn Tú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ Biển Xanh, ở khu 3, xã Vĩnh Chân, huyện Hạ Hoà cho biết, tháng 6/2021 Công ty được cấp mã số vùng trồng cho 50 ha chuối; đồng thời Công ty đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng cơ sở đóng gói sản phẩm để xuất khẩu với diện tích hơn 200m2, giải quyết việc làm cho 15 - 30 lao động thời vụ.

Ngoài ra, Công ty còn liên kết, bao tiêu, đóng gói sản phẩm của các hộ dân khác cũng đã được cấp mã số vùng trồng, tạo nên vùng nguyên liệu hơn 100 ha để phục vụ xuất khẩu.

Theo ông Đào Mạnh Đạt, Giám đốc Hợp tác xã bưởi và dịch vụ tổng hợp Vân Đồn, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ, ngay sau khi được cấp mã số vùng trồng, Hợp tác xã đã liên kết cùng với nhiều hộ dân trồng bưởi trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh liên kết sản xuất, tiêu thụ theo chuỗi, hướng tới bảo quản, sơ chế, chế biến và xuất khẩu.

Từ khi Hợp tác xã được cấp mã số vùng trồng, nông dân tuân thủ ghi chép nhật ký sản xuất, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật có trong danh mục cho phép. Trong số đó, chủ yếu sử dụng phân bón hữu cơ, sinh học, góp phần đảm bảo chất lượng, tăng năng suất, đảm bảo sức khỏe cho nông dân lẫn môi trường.

Việc cấp mã số vùng trồng không chỉ giúp tiêu thụ hàng hóa ổn định hơn, mà còn từng bước chuẩn hóa hoạt động trồng trọt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Từ đó, thúc đẩy các chuỗi liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp xuất khẩu, hạn chế rủi ro từ việc cung vượt cầu, được mùa, mất giá.

Theo Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ, đến nay toàn tỉnh đã thực hiện thiết lập và cấp 251 mã số vùng trồng với tổng diện tích 4.496 ha; trong đó, có 27 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu với diện tích 614 ha.

Cụ thể, có 18 mã số vùng trồng bưởi xuất khẩu sang thị trường Nga và Hoa Kỳ; 4 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang EU; 5 mã số vùng trồng chuối xuất khẩu sang Trung Quốc; 1 mã số cơ sở đóng gói chuối xuất khẩu sang Trung Quốc.

Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cấp 224 mã số vùng trồng phục vụ tiêu thụ trong nước với diện tích 3.882 ha; trong đó, 207 mã số vùng trồng trồng cây trồng chủ lực.

Cụ thể gồm 73 mã vùng trồng bưởi với 1.060 ha; 24 mã số vùng trồng chuối với 322 ha; 62 mã số vùng trồng chè với 2031 ha; 48 mã số vùng trồng rau với 131 ha; 2 mã số vùng trồng lúa với 235 ha; 2 mã số vùng trồng vải với 15 ha; 2 mã số vùng trồng cây sơn với 14 ha và nhiều mã số vùng trồng đào, cam, sen, đu đủ, gai xanh, ngô, nho...

Ông Phan Văn Đạo, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Phú Thọ cho biết, mã số vùng trồng được xem như "giấy thông hành" cho nông sản để xuất khẩu. Khi được cấp mã số, sản phẩm của vùng trồng sẽ đáp ứng điều kiện xuất khẩu chính ngạch.

Cùng với đó, việc xây dựng mã số vùng trồng cũng đã giúp chuyển biến nhận thức của người dân, tích cực ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Qua đó, ngày càng đáp ứng được yêu cầu khắt khe của thị trường các nước nhập khẩu, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với canh tác theo kiểu truyền thống.

Ngoài ra, việc xây dựng, cấp và quản lý mã số vùng trồng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh giúp theo dõi, kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của sản phẩm.

Đến nay, thông qua việc cấp và quản lý mã số vùng trồng, người dân được hướng dẫn, tập huấn đầy đủ các kiến thức, kỹ năng về quản lý, tổ chức sản xuất, kỹ thuật trồng, chăm sóc, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Các cơ sở sản xuất thực hiện đầy đủ các biện pháp kỹ thuật, sản xuất thâm canh theo hướng GAP như VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ... nhằm đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng, an toàn sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm phục vụ xuất khẩu theo quy định.

* Quyết liệt triển khai

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú thọ, kế hoạch đến năm 2025, toàn tỉnh sẽ thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng các cây trồng chủ lực, có lợi thế của tỉnh với tổng số 621 mã số, diện tích 10.890 ha. Trong số đó, thực hiện cấp mã số vùng trồng cho 179 mã cây chè với diện tích 6.000 ha; bưởi 222 mã với 3.000 ha; chuối 70 mã với 1.000 ha; rau 150 mã với 890 ha. Riêng cây chè, đến năm 2025, phấn đấu 100% diện tích sản xuất chè tập trung được quản lý, cấp mã số vùng trồng cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của các nước nhập khẩu.

Ngay sau khi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Quyết định số 3156/QĐ-BNN-TT ngày 19/8/2022 về việc ban hành tài liệu hướng dẫn tạm thời về cấp, quản lý mã số vùng trồng, UBND tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch số 5070/KH-UBND ngày 15/12/2022 về thực hiện cấp và quản lý mã số vùng trồng trong lĩnh vực trồng trọt trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025.

Cùng với đó, tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị chức năng kiểm tra thường xuyên, kịp thời thực hiện giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu theo quy định; kiểm tra định kỳ một lần/năm hoặc đột xuất theo yêu cầu; thực hiện đình chỉ sử dụng mã số nếu vùng trồng không thực hiện ghi chép, lưu trữ hồ sơ về truy xuất nguồn gốc, không đáp ứng yêu cầu theo quy định hoặc hủy mã số nếu vùng trồng không có biện pháp khắc phục lỗi, chuyển đổi loại cây trồng khác, chuyển mục đích sử dụng...

Tỉnh cũng tăng cường chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tiếp tục đẩy mạnh liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ, áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP.

Cùng đó, tạo điều kiện, sẵn sàng đồng hành, tháo gỡ mọi khó khăn cùng doanh nghiệp tham gia vào sản xuất, kinh doanh, giới thiệu, đặc biệt là tiêu thụ chế biến nông sản, tạo ra chuỗi liên kết từ giá trị sản xuất tới tiêu thụ sản phẩm; tiếp tục chỉ đạo đơn vị chức năng hỗ trợ nông dân xây dựng mã số vùng trồng, tạo thuận lợi xuất khẩu cho nhiều loại nông sản thế mạnh của tỉnh.

Ông Trần Tú Anh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông cho biết, hiện nay ngành cũng đang khuyến khích các hộ nông dân liên kết hình thành các hợp tác xã, tổ hợp tác nhằm đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ cao, tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm nông sản. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý truy xuất quá trình sản xuất nông sản, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản của tỉnh; tiếp tục phối kết hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch quản lý, cấp chứng nhận mã số vùng trồng, vùng nuôi đối với các sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; lựa chọn đối tượng, quy mô để cấp mã số sản xuất; xây dựng bản đồ số nhằm đánh giá được vùng sản xuất, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, từ đó hỗ trợ người sản xuất đưa sản phẩm an toàn lên sàn giao dịch thương mại điện tử, hỗ trợ công nghệ mã hóa vùng trồng theo đúng quy chuẩn quốc gia.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bên cạnh những kết quả đạt được, việc cấp và quản lý mã số vùng trồng trên địa bàn tỉnh còn một số khó khăn như sản xuất còn nhỏ lẻ, manh mún chưa hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung quy mô lớn, gắn với thị trường.

Cùng đó, diện tích các cây trồng chủ lực áp dụng quy trình kỹ thuật sản xuất nông nghiệp thực hành tốt, được cấp mã số vùng trồng còn đạt thấp, chưa tương xứng với tiềm năng.

Sản phẩm nông sản xuất khẩu còn ít, chủ yếu là xuất thô qua đường tiểu ngạch và qua các đầu mối trung gian, do vậy việc thực hiện các yêu cầu về quản lý, truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa được quan tâm.

Hơn nữa, trình độ năng lực của một bộ phận người dẫn còn hạn chế, chưa quan tâm đến việc thực hiện các quy định về quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, chưa nhận thức được tầm quan trọng trong việc tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, minh bạch hóa nguồn gốc sản phẩm, đáp ứng yêu cầu của các thị trường trong và ngoài nước.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ còn thiếu doanh nghiệp trực tiếp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm nông sản trên địa bàn tỉnh vẫn phải liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để thực hiện quy trình xuất khẩu./.

Đại Lâm

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm