Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các cấp Hội trực thuộc triển khai rộng rãi phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, vươn lên làm giàu, góp phần tích cực thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới.
Các cấp Hội hỗ trợ phụ nữ tiếp cận dịch vụ tài chính phát triển kinh tế. Trong đó, tập trung hỗ trợ hộ nghèo có phụ nữ, phụ nữ yếu thế và phụ nữ dân tộc thiểu số. Công tác đào tạo nghề, phối hợp giới thiệu đào tạo nghề được thực hiện thường xuyên. Theo thống kế, đến nay đã đào tạo cho hơn 12.000 lao động nữ, có hơn 35.200 hộ được vay vốn ưu đãi; 22.403/66.248 hộ phụ nữ thoát nghèo, cận nghèo, đạt tiêu chí “Không đói nghèo” của cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch” và phong trào “Bình Định chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau” do UBND tỉnh phát động.
Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thường xuyên, đều khắp ở khu dân cư và cộng đồng xã hội, thu hút các tầng lớp phụ nữ tham gia. Nhờ vậy, tổng dư nợ do Hội quản lý đạt trên 3.335 tỷ đồng; trong đó, vốn Ngân hàng Chính sách xã hội là 3.041 tỷ đồng.
Từ nguồn huy động hơn 57 tỷ đồng của phong trào “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo bền vững” đã có hơn 34 nghìn hội viên, phụ nữ hoàn cảnh khó khăn được giúp cho vay vốn không tính lãi, lãi suất thấp để đầu tư sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, phát triển kinh tế...
Các cấp Hội phối hợp tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, chăm sóc và thu hoạch vụ mùa. Bên cạnh đó, tiếp tục duy trì, xây dựng mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế với 485 mô mình, 10.587 thành viên. Tiêu biểu mô hình “Nấu tiệc cưới”, "Tổ liên kết chế biến nước mắm”, “Phụ nữ phát triển kinh tế từ nghề trồng hoa”, “Tổ liên kết may gia công”…
Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tuyên truyền, vận động phụ nữ các huyện, thị, thành phố tích cực tham gia Cuộc thi Phụ nữ khởi nghiệp do Trung ương Hội tổ chức. Điển hình chị Thái Thị Kim Phúc, Chủ nhiệm Câu lạc bộ “Nữ giám đốc doanh nghiệp thành phố Quy Nhơn", từ năm 2018 đến nay, chị hỗ trợ 4 hội viên có ý tưởng khởi nghiệp, trao sinh kế, với số tiên 20 triệu đồng. Chị Đặng Thị Cẩm Lai, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Dulah (huyện Hoài Ân) đã xây dựng chuỗi liên kết và tiêu thụ sản phẩm, từng bước mở rộng vùng nguyên liệu, củng cố hợp tác cùng phát triển với nông dân địa phương. Đến nay, sản phẩm trà nụ hoa hòe đạt chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, dầu đậu phộng, dầu mè đen đạt OCOP 4 sao…
Việc xây dựng mô hình kinh tế tập thể (Hợp tác xã, Tổ hợp tác) do nữ làm chủ, tham gia lãnh đạo quản lý thể hiện sự nhanh nhạy trong kinh doanh, đáp ứng nhu cầu chuyển đổi cơ cấu kinh tế được chú trọng. Đến nay, có 15 mô hình hợp tác xã, 485 mô hình tổ liên kết hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế. Nổi bật mô hình tổ liên kết sản xuất nước mắm (do Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh hỗ trợ) của chị Mai Thị Hương đã mở rộng quy mô thành lập Hợp tác xã sản xuất kinh doanh hải sản Hương Thanh - Nhơn Lý (thành phố Quy Nhơn) với vốn điều lệ 510 triệu đồng. Mô hình Hợp tác xã Nông - Công - Thương An Nhơn do chị Nguyễn Thị Nguyệt làm Chủ nhiệm, kết nối các thành viên chăn nuôi nhỏ lẻ, có diện tích đất sản xuất, chăn nuôi gà công nghiệp lấy trứng và trồng sả lấy tinh dầu, vốn điều lệ 500 triệu đồng. Hợp tác xã sản xuất thương mại và Dịch vụ Phong Nga với vốn điều lệ 300 triệu đồng do chị Huỳnh Thị Tuyết Nga làm Chủ nhiệm, hoạt động hiệu quả, giải quyết việc làm, thường xuyên cho lao động địa phương…
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Bình Định nhấn mạnh, với khả năng sáng tạo, sự tự tin và nỗ lực vươn lên của chị em, thời gian tới sẽ có nhiều ý tưởng, dự án và doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo được hình thành, triển khai tại địa phương và ngày càng đa dạng hơn, có tính ứng dụng cao.
Lê Phước Ngọc