Ngày 4/10, tại thành phố Hà Giang, Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam phối hợp với UBND tỉnh Hà Giang tổ chức cuộc họp Ban Chỉ đạo Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang” (AWEEV) do Bộ Các vấn đề toàn cầu và Chính phủ Canada thông qua Tổ chức Care Quốc tế tài trợ nhằm đánh giá kết quả hoạt động năm thứ 2 và kế hoạch hoạt động năm thứ 3 của Dự án.
Ông Hoàng Gia Long, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Giang cho biết, hai năm qua, Dự án AWEEV được triển khai tại huyện Quang Bình đã thu được nhiều kết quả khả quan, góp phần phát triển kinh tế bền vững, giúp giảm các rào cản về định kiến giới trong việc phụ nữ tham gia các hoạt động kinh tế.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh mong muốn Chính phủ Canada cùng Tổ chức CARE quốc tế tiếp tục quan tâm, xem xét mở rộng địa bàn thực hiện dự án và tài trợ các chương trình, dự án liên quan đến các lĩnh vực địa phương còn nhiều khó khăn. Tỉnh Hà Giang cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Care quốc tế tại Việt Nam và các đơn vị liên quan triển khai thực hiện dự án đạt các mục tiêu đề ra.
Phát biểu tại cuộc họp, ngài Shawn Perry Steil, Đại sứ Canada tại Việt Nam nhắc lại dấu mốc 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Canada và 30 năm Canada triển khai chương trình hỗ trợ phát triển quốc tế tại Việt Nam. Đại sứ đánh giá cao sự phát triển của Việt Nam và mối quan hệ giữa hai nước thời gian qua; khẳng định Chính phủ Canada sẽ tiếp tục ưu tiên giúp đỡ phụ nữ dân tộc thiểu số miền núi ở Việt Nam nói chung, Hà Giang nói riêng.
Đối với Dự án “Nâng quyền kinh tế của phụ nữ dân tộc thiểu số tại Hà Giang”, Đại sứ Shawn Perry Steil mong muốn tỉnh Hà Giang tiếp tục phối hợp, nâng cao trách nhiệm, nỗ lực thực hiện mục tiêu bao trùm của dự án, góp phần nâng cao quyền phát triển kinh tế để tiếng nói của phụ nữ được nâng lên, phát huy được tính tự chủ của mình.
Dự án AWEEV được triển khai trong giai đoạn 2021 - 2025, hướng đến hỗ trợ 2.635 phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số ở 6 xã của tỉnh Hà Giang và 3 xã của tỉnh Lai Châu. Tổng kinh phí thực hiện trên 4,5 triệu đô la Canada (CAD).
Tại Hà Giang, dự án được triển khai tại 6 xã, thị trấn của huyện Quang Bình với mục tiêu cải thiện đời sống kinh tế cho phụ nữ nông thôn nghèo, đặc biệt là phụ nữ dân tộc thiểu số. Tính đến cuối tháng 5/2023, dự án đã hỗ trợ 6 tổ nhóm với sự tham gia của 150 phụ nữ dân tộc thiểu số thực hiện mô hình sinh kế nuôi gà, lợn, dê và trồng lạc. Hiện nay, các mô hình sinh kế đang được người dân đón nhận và phát triển tốt, góp phần cải thiện thu nhập, kinh tế hộ gia đình của phụ nữ dân tộc thiểu số.
Trong năm 2022, dự án thực hiện 6 mô hình tại 23 thôn/6 xã. Tháng 6/2023, tiếp tục khảo sát thêm 8 mô hình sinh kế mới, mở rộng thêm 2 thôn của xã Yên Thành và Tiên Nguyên (huyện Quang Bình). Ngoài ra, dự án đã hỗ trợ cải tạo, nâng cấp lớp học bán trú, thiết bị, dụng cụ phục vụ học sinh ăn uống, ngủ trưa tại 10 điểm trường mầm non với 540 học sinh, tổng kinh phí hỗ trợ trên 2 tỷ đồng; hỗ trợ và cung cấp 573 máy thái rau, cỏ, chuẩn bị thức ăn cho gia súc, gia cầm… Từ những hỗ trợ của Dự án, thời gian nam giới dành cho chăm sóc gia đình, làm việc nhà đã tăng từ 2,9 lên 3,4 giờ mỗi ngày; thời gian phụ nữ dành cho các hoạt động kinh tế/tạo thu nhập tăng từ 8,2 giờ lên 11,1 giờ mỗi ngày.
Mặc dù với điều kiện địa hình có nhiều khó khăn, mặt bằng trình độ dân trí các xã của Hà Giang không đồng đều, nhưng Dự án đã được triển khai đảm bảo tiến độ theo văn kiện phê duyệt. Các hoạt động của dự án đã ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của người dân; từng bước giúp người dân tiếp cận khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức cộng đồng về bình đẳng giới, tạo sinh kế, phát triển kinh tế bền vững...
Minh Tâm